nguồn: New York Times,
biên dịch: Takya Đỗ,
Trong cuốn “New Cold Wars” (“Những cuộc chiến tranh lạnh mới đây”), David E. Sanger lần theo dấu vết những biến chuyển trong chính sách đối ngoại của Mỹ khi sự cạnh tranh giữa các cường quốc lại một lần nữa nảy sinh trong thế kỷ 21.
Những năm gần đây, mức độ tổn thất con người vì bệnh tật và chiến tranh thật đáng đau lòng. Song biến động địa chính trị và cuộc cạnh tranh giữa các cường quốc đang quay trở lại cũng đã mang lại sự hồi sinh thú vị cho những câu hỏi phải đặt lên hàng đầu: Việc răn đe có hiệu quả ra sao? Sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế có làm giảm đi khả năng xảy ra chiến tranh giữa các quốc gia không? Sự phồn vinh ngày càng tăng có buộc các chế độ độc tài phải cải cách không?
Cuốn “New Cold Wars” của David E. Sanger, được viết cùng với nhà nghiên cứu lâu năm của ông là Mary K. Brooks, kể câu chuyện về cách những cuộc tranh luận trừu tượng đó dẫn đến những hậu quả trong thế giới thực ra sao. Sanger, phóng viên kỳ cựu của tờ The New York Times và là người rất thành thạo trong giới nghiên cứu chiến lược bí mật, đã viết nên câu chuyện rất thuyết phục và có tính mặc khải về cách một thế hệ quan chức ở Mỹ vật lộn với những diễn biến nguy hiểm trong thời kỳ hậu Chiến tranh Lạnh – sự trỗi dậy của một Trung Quốc kiên trì độc tài, sự trở lại của tình trạng xung đột giữa các quốc gia ở châu Âu – đã tạo ra sự kết hợp địa chính trị giữa cái cũ và cái mới.
Lấy cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine năm 2022 làm ví dụ. “Chiến tranh chiến hào!” Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mark Milley nói vậy với Sanger khi cuộc chiến diễn ra được khoảng sáu tháng. “Có lúc chúng tôi đã nghĩ đây sẽ là một cuộc chiến tranh mạng. Rồi chúng tôi lại nghĩ nó có vẻ giống một cuộc chiến xe tăng kiểu Thế chiến II cũ rích. Và rồi, có những ngày tôi nghĩ họ đang tiến hành [chêm vào lời rủa] cuộc Thế chiến I.” Như Sanger viết: “Milley xác định một trong những nét đặc trưng đáng lo ngại nhất của kỷ nguyên địa chính trị mới: nó vừa là 1914, vừa là 1941 và vừa là 2022. Tất cả dồn vào làm một.”
Thế nên, dù cuốn sách có tiêu đề như vậy, những gì Sanger miêu tả ít gợi lại cuộc Chiến tranh Lạnh hơn so với các giai đoạn cạnh tranh địa chính trị trước kia, mà trong những giai đoạn này lợi ích quan trọng hơn nhiều so với ý thức hệ và những người tham gia phụ thuộc lẫn nhau thay vì chia thành các khối.
Sanger bắt đầu câu chuyện của mình với sự sụp đổ của cái gọi là Đồng thuận Washington bắt đầu có ảnh hưởng mạnh vào thập kỷ 1990: niềm tin rằng việc toàn cầu hóa kinh tế và mở rộng thị trường tự do sẽ tăng cường sự ổn định và đảm bảo sự thống trị của Mỹ đối với một trật tự quốc tế “dựa trên luật lệ”.
Lúc bấy giờ Bill Clinton lập luận rằng việc Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới và sự bùng nổ của World Wide Web sẽ thúc đẩy quá trình dân chủ hóa đất nước này. George W. Bush cho rằng việc cùng chung một kẻ thù trong cuộc chiến chống khủng bố có thể lôi kéo Vladimir Putin đến gần phương Tây hơn, trong lúc NATO triển khai lực lượng đến biên giới Nga. Nhưng “hầu như mọi giả định từ chính quyền này sang chính quyền kia đều trật lất,” một cố vấn ẩn danh của Tổng thống Biden thừa nhận. “Tôi cũng đáng trách như bất kỳ ai khác.”
Đây là trích dẫn ẩn danh hiếm hoi trong cuốn sách được phát triển dựa trên các cuộc phỏng vấn sâu rộng được-công-khai với dàn chuyên gia nổi tiếng về chính sách đối ngoại đang thuật lại những nỗ lực của chính mình nhằm điều chỉnh khi thực tế không còn phù hợp với những kỳ vọng thông thường.
Sanger không chỉ chú ý đến những nhân vật chính có danh vọng lớn mà còn chú ý đến cả nhóm người ở Washington được gọi là “các đại biểu”: những người gánh vác trọng trách an ninh quốc gia, những người thỉnh thoảng vận động hành lang cho những chính sách dưới mức tối ưu về mặt chính trị nhưng về thực chất là hợp lý – và là những người đôi khi bị bài bác, chỉ để nhận ra rằng bản thân họ được chứng minh là đúng bởi các sự kiện.
Hãy xem trường hợp Kurt Campbell, chuyên gia kỳ cựu về châu Á và là người sớm tỏ ra hoài nghi về sự đồng thuận của giới tinh hoa trong nhiều thập kỷ rằng việc hỗ trợ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc và đưa nước này vào trật tự thế giới do Mỹ dẫn đầu là, theo sự diễn đạt của ông, “một điều gần như huyền hoặc cần phải được duy trì”. Campbell phục vụ trong chính quyền Clinton và Obama; dần dà, ông ủng hộ cách tiếp cận công kích hơn với Trung Quốc. Nhưng những lập luận của ông hầu như không được ai để ý – cho đến thời Trump, thật kỳ lạ.
Một chủ đề nổi bật trong “New Cold Wars” là tính liên tục đáng ngạc nhiên giữa chính quyền Trump và chính quyền Biden khi đề cập đến Trung Quốc. Với Campbell là cố vấn hàng đầu về Trung Quốc, cho đến nay Biden phần lớn vẫn giữ nguyên các mức thuế chiến-tranh-thương-mại của Donald Trump đánh vào hàng hóa của Trung Quốc, tăng cường các hạn chế xuất khẩu từ thời Trump để làm chậm tiến bộ công nghệ của Trung Quốc và tuyên bố cứng rắn về vấn đề Đài Loan (dù không huênh hoang như Trump). Thật trớ trêu, Sanger viết, “một số trợ lý của Trump đã đặt nền móng cho một trong những nỗ lực ghi dấu ấn của chính quyền Biden”.
Nói thế nhưng Sanger đã phác họa sự tương phản rõ ràng giữa hai vị tổng thống đó. Biden tập trung cao độ vào tính nghiêm trọng của các mối đe dọa mà nước Mỹ đang phải đối mặt. Tại bữa tiệc dành cho các nhà tài trợ hàng đầu hồi năm 2022, ông suy tưởng một cách u ám – và rất chi tiết – về những phương thức Putin có thể châm ngòi cho trận quyết chiến hạt nhân [Armageddon]. (“Phòng tiệc bỗng im phăng phắc,” Sanger viết.)
Trump lại có những mối bận tâm khác. Năm 2019, ông yêu cầu Randall Stephenson, khi đó là giám đốc điều hành của tập đoàn viễn thông Mỹ AT&T, tóm tắt cho ông về mối đe dọa từ công nghệ Trung Quốc. Theo Stephenson, Trump dành 45 phút để “vui vẻ nói về cách đàn ông gặp rắc rối như thế nào”, Sanger viết. “Toàn bộ chuyện đó đều là về phụ nữ và máy bay riêng”. Vài phút sau bài thuyết trình của Stephenson, Trump kết luận: “Cái này chán thật”.
Sanger cũng khéo léo giải thích những thách thức của việc răn đe. Mùa thu năm 2022, khi Mỹ đang lo sợ tột đỉnh về kế hoạch hạt nhân của Putin ở Ukraine, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ là Lloyd Austin cảnh báo người đồng cấp của Nga là Sergei Shoigu rằng nếu phía Nga sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật, Mỹ sẽ trực tiếp can thiệp và phá hủy, như lời một quan chức kể lại với Sanger, “những gì còn lại của quân đội các ông ở Ukraine”.
Shoigu đùng đùng nổi giận, nhưng lời cảnh cáo đó dường như có tác dụng. Tất nhiên, cho đến nay chưa có cuộc tấn công hạt nhân nào và, như một trợ lý của Biden chỉ ra cho Sanger, chưa có cuộc tấn công nào của Nga vào bất kỳ căn cứ nào ở Ba Lan mà Mỹ sử dụng để chuyển giao vũ khí đến Ukraine. Mặt khác, “không thể biết liệu Putin có tin vào lời đe dọa đó hay không,” Sanger viết. Và có lẽ có lý do chính đáng: Một số trợ lý của Biden thừa nhận với Sanger rằng họ không dám chắc liệu tổng thống Mỹ có sẽ thực sự thực hiện lời đe dọa đó hay không.
Để viết nên bản thảo đầu tiên toàn vẹn và hấp dẫn của câu chuyện lịch sử, Sanger tập trung chủ yếu vào các nhân vật chính người Mỹ của ông. Nhưng ông cũng nói về một số quan điểm từ những người không phải là người Mỹ, chẳng hạn như việc các quan chức Đài Loan giải thích cảm giác của họ khi bị mắc kẹt giữa Mỹ và Trung Quốc.
Và ông nhận định rằng phần đông thế giới đang sôi sục trước “sự đạo đức giả của một nước Mỹ thường tỏ ra quan tâm nhiều đến số phận của người châu Âu da trắng” ở những nơi như Ukraine hơn là quan tâm đến người dân ở những nơi như dải Gaza, nơi dân thường đang bị đồng minh của Mỹ là Israel sát hại với số lượng đáng kinh ngạc. Trong câu chuyện phần lớn là ca ngợi chính sách đối ngoại của Biden này, cuộc chiến ở dải Gaza là lĩnh vực duy nhất mà Sanger đưa ra lời chỉ trích bất lợi. Sự do dự của Biden trong việc sử dụng đòn bẩy Mỹ để kiềm chế Israel “có vẻ như và cho cảm giác giống như sự thiếu khả năng lãnh đạo sáng suốt”, ông viết.
“New Cold Wars” miêu tả một cách sinh động quan điểm của Washington. Nhưng, như Sanger diễn giải rõ ràng, với việc Mỹ không còn là bá chủ không-thể-thách-thức, số phận của nền trật tự do Mỹ lãnh đạo hơn bao giờ hết phụ thuộc vào ý tưởng, niềm tin và cảm xúc của người dân ở xa bên ngoài Chính phủ. Người đọc kết thúc cuốn sách này với mong muốn có được những miêu tả sinh động toàn diện tương tự về quan điểm của những nơi khác, đặc biệt là Moscow và Bắc Kinh.
Tuy nhiên, bạn không cần phải nín thở: Cơ quan chính sách đối ngoại của Mỹ đã nhiều lần mắc sai lầm, nhưng những kẻ độc tài mà nó đương đầu với (và những kẻ độc tài mà nó nâng đỡ) sẽ không bao giờ cho phép một phóng viên như Sanger săm soi vào bên trong hệ thống của họ và phát lộ những gì anh ta thấy.
NEW COLD WARS: China’s Rise, Russia’s Invasion, and America’s Struggle to Defend the West | By David E. Sanger with Mary K. Brooks | Crown | 511 pp. | $33
#makevietnamreadagain, #mvra, #langdujourneyinlife,
journeyinlife.net cố gắng chuyển ngữ các bài bình sách của New York Times -- tờ báo danh tiếng hàng đầu nước Mỹ (với hơn 10 triệu độc giả trả phí hằng tháng) tới độc giả Việt Nam, các bạn có thể ủng hộ journeyinlife số tiền bằng một ly cà phê (đọc báo buổi sáng); chính sự ủng hộ/tài trợ của các bạn giúp đội ngũ journeyinlife tiếp tục có nguồn lực, động lực để phục vụ bạn đọc mỗi ngày...
ủng hộ tại đây,
Chia sẻ: