Cuộc đời một công chúa Ấn Độ, bị phủ trong tấm màn bí ẩn

9 2 / 2024
Đăng bởi: lovebird21c

Cuộc đời một công chúa Ấn Độ, bị phủ trong tấm màn bí ẩn

nguồn: New York Times,

biên dịch: Takya Đỗ,



Tình cờ bắt gặp bức ảnh chụp năm 1924 của Công chúa Rani Shri Amrit Kaur Sahib trong một bảo tàng ở Mumbai, một nhà báo người Ý bắt tay vào cuộc khám phá xem vị công chúa ấy là ai.

Năm 2007, nhà báo người Ý Livia Manera Sambuy tình cờ bắt gặp điều đáng mơ ước đối với một nhà văn phi hư cấu trong một bảo tàng ở Mumbai: một câu chuyện có thật đầy phấn khích mà thế giới chưa ai biết đến. Kế bên bức ảnh chụp một công chúa Ấn Độ năm 1924 – “cao lớn, da ngăm ngăm, mái tóc vấn cao”, mặc “chiếc sari trong mờ như voan, các mép thêu viền chỉ vàng hoặc bạc” – chú thích của bức ảnh xác định nàng là “Công chúa Rani Shri Amrit Kaur Sahib”. Chú thích này ghi rằng nàng bị Gestapo bắt giữ trong Thế chiến II tại Paris bị chiếm đóng, bị buộc tội bán nữ trang của mình để giúp người Do Thái rời khỏi nước Pháp, và đã mất trong khi bị giam cầm.

Cuốn “In Search of Amrit Kaur” (“Đi tìm Amrit Kaur”) ghi lại hành trình tiếp theo kéo dài nhiều năm của Sambuy nhằm khám phá sự thật đằng sau những dòng chú thích nọ trong viện bảo tàng. Lao mình vào thế giới vàng son của hoàng gia Ấn Độ dưới sự cai trị của Anh quốc, chị theo đuổi mọi manh mối, sưu tầm hết câu chuyện này đến câu chuyện khác, trong khi câu chuyện tâm điểm mà chị định kể vẫn ngoài tầm với.

Amrit Kaur sinh năm 1904, là con thứ năm của vị phiên vương [maharajah] xứ Kapurthala, một bang ở Punjab. Gia đình nàng rất mực giàu có – cha nàng ủy thác cho kiến trúc sư người Pháp xây cho ông một lâu đài Versailles màu hồng – và rất quyền lực; Con gái của Amrit Kaur nói với Sambuy rằng họ tự phát hành tiền tệ của mình và “có thể treo cổ bất kỳ ai”. Đồng thời, hoàng tộc này, giống như những hoàng tộc khác của tiểu lục địa đó, nằm dưới sự kiểm soát của Ấn Độ thuộc Anh.


Công chúa Kaur thuộc tầng lớp những người ở trong tình thế tiến thoái lưỡng nan giữa quê hương và những kẻ chiếm đất của họ làm thuộc địa không biết lựa chọn bên nào, buộc phải chơi trò đứng giữa hai bên vì lợi ích của chính họ. Nhiều người trong số họ theo học tại các trường nội trú ở châu Âu, sau đó quay trở lại Ấn Độ để kết hôn theo sự sắp đặt (tình huống mà Sambuy gọi là “chẳng khác gì thử đu một vòng trên chiếc đu quay của thời hiện đại chỉ để sau đó bị đẩy lùi lại vài thế kỷ”). Các hoàng tử và công chúa phải thể hiện sự pha trộn giữa các nền văn hóa trước chính quyền cai trị của Anh quốc; theo lời Sambuy, một phó vương muốn họ “lộng lẫy trong trang phục phương Đông nhưng đồng thời tuân thủ các quy tắc lịch thiệp của phương Tây”. Nói cách khác: Hãy sính ngoại nhưng đừng quá sính ngoại.

Sambuy cho rằng công chúa Kaur, người cũng đã lên tiếng vì quyền phụ nữ, hẳn rất ghét việc chuyển đến vương quốc Mandi xa xôi (“không phải vương quốc lạc hậu nhất,” Sambuy viết, nhưng là “nơi vẫn bị sự ngu dốt và mê tín dị đoan chi phối”) sau khi nàng kết hôn với hoàng tử xứ này. Sau đó việc chồng nàng quyết định lấy thêm người vợ thứ hai thúc đẩy nàng chạy trốn năm 1933, khi nàng bỏ lại hai đứa con nhỏ để làm chuyến du hành dài sáu tháng tới châu Âu. Nàng đã không bao giờ trở lại.

Cuộc nghiên cứu của Sambuy phát hiện ra rằng dù kết cục công chúa Kaur phải vào trại tập trung dành cho “kẻ thù người nước ngoài” ở Pháp quốc đang bị chiếm đóng, nhưng đến năm 1948 nàng mới qua đời, ở London. Vì sao nàng xa lánh Ấn Độ và liệu nàng có đã liều mạng để giúp đỡ người khác trong cuộc chiến tranh đó hay không là điều vẫn còn mơ hồ, kể cả khi Sambuy thành công trong việc khám phá ra một số bí mật đáng kinh ngạc.

Chúng ta không thể biết tường tận về công chúa Kaur có thể là vì các chi tiết bị lãng quên theo thời gian. Nhưng một vấn đề khác là quan điểm của cuốn sách này. Tuy Kaur "chân trong chân ngoài giữa hai bên đối kháng nhưng Sambuy lại chắc chân ở một bên. Chúng ta đọc được những miêu tả về các thành viên hoàng gia là đang sống trong “bộ phim kỳ ảo của đạo diễn Wes Anderson” và những bức ảnh chụp tại nhà của một trong những người họ hàng của Kaur là “ngoại lai”. Mặc dù Sambuy đưa vào cuốn sách này những nguồn tin từ Ấn Độ, như con gái của Kaur, nhưng rất thường thấy những người phương Tây có mối liên hệ hời hợt với Kaur lại chiếm vị trí trung tâm cuốn sách. Sambuy đi đường vòng để miêu tả những người buôn bán kim hoàn ở Pháp, một nhà lãnh đạo tinh thần người Nga, một chủ ngân hàng người Do Thái. Phiên quốc Mandi và tình trạng bạo lực cũng như biến động của cuộc Chia cắt [Ấn Độ] sống động hẳn lên thông qua những thực dân người Anh.

Một trong những phần thu hút nhất của cuốn sách – nói về sự khủng khiếp của trại giam Besançon, nơi Kaur bị giam giữ – hướng theo những người phụ nữ khác, như một đêm nọ có một quý tộc Nga khỏa thân đi đi lại lại, tay cầm ly rượu và ngâm thơ. Tuy thú vị nhưng những nhân vật lịch sử như thế này không giúp chúng ta đến gần Kaur hơn.

Vấn đề cuối cùng của cuốn “In Search of Amrit Kaur” là về ảo thuật của một nhà văn tìm thấy chủ đề của mình; Sambuy cảm thấy câu chuyện “bay vo ve xung quanh tôi như khu rừng thức giấc khi xuân đến”. Tác phẩm này đã biến đổi chị, chị tìm thấy ý nghĩa riêng mà chị đã cố gắng tìm kiếm – trong khi nhân vật trung tâm vẫn rất lờ mờ, được để lại cho ai đó có ống kính khác lấy nét rõ ràng hơn.

IN SEARCH OF AMRIT KAUR: A Lost Princess and Her Vanished World | By Livia Manera Sambuy | Translated by Todd Portnowitz | Illustrated | 352 pp. | Farrar, Straus & Giroux | $28

#makevietnamreadagain, #mvra, #langdujourneyinlife,

journeyinlife.net cố gắng chuyển ngữ các bài bình sách của New York Times -- tờ báo danh tiếng hàng đầu nước Mỹ (với hơn 10 triệu độc giả trả phí hằng tháng) tới độc giả Việt Nam, các bạn có thể ủng hộ journeyinlife số tiền bằng một ly cà phê (đọc báo buổi sáng); chính sự ủng hộ/tài trợ của các bạn giúp đội ngũ journeyinlife tiếp tục có nguồn lực, động lực để phục vụ bạn đọc mỗi ngày...

ủng hộ tại đây,

Chia sẻ: