Sự thăng trầm của một Đại Long thuộc hội kín Ku Klux Klan (KKK)

9 2 / 2024
Đăng bởi: lovebird21c

Sự thăng trầm của một Đại Long thuộc hội kín Ku Klux Klan (KKK)

nguồn: New York Times,

biên dịch: Takya Đỗ,



Trong cuốn sách mới, Timothy Egan miêu tả sự bành trướng của hội kín Klan hồi thập kỷ 1920 ra khắp đời sống chính trị và dân sự ở Mỹ. Thủ lĩnh của hội này thời bấy giờ là David C. Stephenson đã phạm tội giết người.

Về mặt nào đó, cảnh này không thể bình thường hơn được. Ngày 04.7.1923, tại công viên bên cạnh con lạch ở thành phố Kokomo thuộc tiểu bang Indiana, các gia đình đang tổ chức Ngày Độc lập với quốc kỳ và cờ đuôi nheo, dưa hấu và bánh nướng, những bài hát yêu nước và cuộc diễu hành. Rất đỗi bình thường – ngoại trừ việc các gia đình này – mà con số lên đến nhiều ngàn người – đội những chiếc mũ trắng trùm đầu và khoác những chiếc áo choàng trắng của Ku Klux Klan. Những biểu ngữ tuyên bố hùng hồn rằng “Nước Mỹ dành cho người Mỹ”; những chiếc xe diễu hành có hoạt cảnh thành viên của Klan đang bảo vệ phụ nữ chống lại người da đen và tín đồ Công giáo. Khi diễn giả chính của ngày hôm đó – David C. Stephenson, Đại Long* của Lãnh địa Indiana – bước ra từ phía sau buồng lái của chiếc máy bay hai tầng cánh mang nhãn hiệu Klan, các hội viên trong đám đông đó quỳ xuống và chìa tay ra trong cơn phấn khích. “Hỡi các thần dân xứng đáng của tôi,” Stephenson hoan hỉ nói.

D.C. Stephenson, nhân vật trung tâm trong sự bành trướng của Klan khắp vùng Trung Tây nước Mỹ thập kỷ 1920, trong sự thống trị tuyệt đối của nó đối với đời sống công dân và quyền lực chính trị cũng như trong sự sụp đổ cuối cùng của nó, là tâm điểm của “A Fever in the Heartland” (“Cơn náo loạn ở vùng tâm điểm”, cuốn sách mới rất ấn tượng của Timothy Egan. Câu chuyện về Đại Long chẳng phải là chưa ai kể: Suốt thế kỷ vừa qua, nó thu hút cả sự quan tâm của giới học thuật lẫn sự quan tâm đến bạo lực man rợ. Song Egan – người có thời phụ trách một chuyên mục của tờ New York Times và là tác giả cuốn sách đoạt Giải thưởng Sách Quốc gia xuất bản năm 2006 viết về sự kiện Dust Bowl [Cơn bão Đen] với nhan đề “The Worst Hard Time” (“Thời kỳ gian khổ tồi tệ nhất”) – đã viết với sự tự tin sắc bén và để mắt đến từng chi tiết sống động và bất an. Có rất nhiều thứ trong cuốn sách này, mà đọc lên đôi khi giống một kịch bản phim hình sự, đôi khi giống như một bộ phim kinh dị.

Thập niên 1920 biểu trưng cho điều mà nhà sử học Linda Gordon, trong cuốn sách xuất sắc về chủ đề này, gọi là “sự tái lai của KKK”. Hội Klan mới lợi dụng cùng một nguồn thù hận chủng tộc sâu sắc, cùng một huyền thoại về người da trắng là nạn nhân, giống như tiền thân của nó hồi thế kỷ 19. Các phương pháp của nó cũng có nguồn gốc từ thời kỳ Tái thiết [1861-1900]: tra tấn, đánh đập, hành hình kiểu lynch. Nhưng Klan thứ hai mưu cầu, và ở mức độ đáng kinh ngạc đạt được sức hấp dẫn vượt xa Hợp bang miền Nam. Nó đề xuất khuynh hướng hận thù rộng rãi hơn, cung cấp nhiều điểm tiếp nhận hơn cho những người theo đạo Tin lành da trắng bị tổn hại. Những kẻ theo chủ nghĩa thuần chủng được trang bị học thuyết ưu sinh và bị kích động bằng nỗi lo sợ bị thay thế bởi những người Công giáo và Do Thái “điên rồ, bệnh hoạn”. Những người theo chủ nghĩa đạo đức thuần túy và những người theo chủ nghĩa truyền thống được kêu gọi rời bục giảng để khởi sự cuộc chiến chống lại sự hiện đại – gia nhập các đội hành pháp của KKK chuyên đánh đập những kẻ ngoại tình và đập phá những quán rượu, hộp đêm.

Nhưng trong giai đoạn này Klan làm được nhiều việc hơn là giơ cao cây thánh giá rực lửa. Đối với lượng lớn người Mỹ nhiều đến kinh ngạc, Egan viết, Klan “đem đến ý nghĩa, hình thái và mục đích cho thời đại đó”. Bạn có thể mua sắm tại các cửa hàng được Klan chấp thuận và nấu nướng bằng các công thức nấu ăn được Klan phê duyệt, có thể đăng ký cho con trai vào tổ chức Junior KKK (KKK Trẻ) và con gái vào Câu lạc bộ Tri-K (3-K), và tối tối hát những bài hát của Klan bên chiếc dương cầm. KKK, theo cách nói sau này, là một hệ sinh thái. “Mọi người nhận tin tức từ các biên tập viên trung thành với Klan,” Egan giải thích, hoặc từ mạng lưới thông tin sai lệch lan truyền những lời dối trá với tốc độ nhanh. Nạn tham nhũng tạo điều kiện cho tổ chức này hoạt động và phát triển: Cảnh sát và chính trị gia bị mua chuộc; doanh nghiệp thuộc sở hữu của người Do Thái, Công giáo hoặc người da đen bị tống tiền; các lãnh đạo và những kẻ chiêu mộ – bao gồm cả các mục sư – được nhận một phần phí gia nhập, hội phí và tiền bán áo choàng.



Ở tiểu bang Indiana, Klan được thể hiện hết mình: danh sách thành viên của nó là đông nhất, ảnh hưởng của nó lên đời sống dân sự là lớn nhất. “Klan sở hữu bang này,” Egan nhận xét, “và Stephenson sở hữu Klan”. Stephenson là mẫu người đầu thế kỷ 20: một Harold Hill thâm hiểm – gã đàn ông lai lịch không rõ ràng và có sức quyến rũ tai họa, tham gia vào các vụ lừa đảo nho nhỏ từ thị trấn này sang thị trấn khác, để mắt đến cơ hội kiếm tiền lớn. Egan ghi lại con đường thăng tiến của Stephenson từ một “gã ba hoa chích chòe” ở góc phố thành một kẻ mị dân bậc nhất. Hắn nghiên cứu những bài phát biểu của Mussolini và tự miêu tả mình là “nhà tâm lý học đại chúng lỗi lạc” của thế giới: Hắn hiểu điều gì khiến mọi người thù hận. Chưa đầy hai năm sau khi đội mũ trùm đầu và khoác áo choàng [của KKK], Stephenson nắm quyền kiểm soát Klan tại 21 tiểu bang. Hắn chỉ huy từ một văn phòng mà trên bàn làm việc của hắn có bảy chiếc điện thoại màu đen và một chiếc màu trắng – một đường điện thoại nối trực tiếp, theo lời hắn tuyên bố, tới tổng thống Mỹ, chức danh mà hắn mong ngày nào đó sẽ nắm trong tay.

Song tham vọng của Stephenson lại mâu thuẫn với sự bệnh hoạn của hắn. Hắn là loại đàn ông quái vật. Tống tiền và biển thủ công quỹ biến hắn thành giàu có, theo cách cực kỳ phô trương; Klan biến hắn thành kẻ quyền lực và có lúc là kẻ không thể động đến được. Tại dinh thự hào nhoáng hay trên du thuyền dài 30m, Stephenson tổ chức những bữa tiệc “có thể khiến hoàng đế Nero phải hổ thẹn”, một cộng sự nhớ lại. Trong khi những đội viên đội chấp pháp của Klan lang thang khắp tiểu bang để dẹp tệ nạn phóng đãng, Đại Long và khách khứa của hắn – các quan tòa và các quan chức được bầu lên, những người đứng đầu các ngành – đang uống rượu lậu giữa “những kẻ mê rượu chè có thị hiếu thấp kém”, theo lời Egan. Càng phải uống nhiều, Stephenson càng ít làm ra vẻ vui đùa phóng túng. Hắn là con thú săn mồi hung hãn trong lĩnh vực tình dục. Hắn đánh đập người vợ thứ hai dã man đến nỗi phải mất nhiều tháng cô này mới bình phục. Hắn đánh thuốc mê phụ nữ và tấn công tình dục họ; hắn cắn xé da thịt họ. Thỉnh thoảng hắn phải qua đêm trong tù, chỉ để được hộ tống ra ngoài một cách nhanh chóng và lặng lẽ vào sáng hôm sau. “Ta là luật pháp,” hắn vênh vang đắc thắng nói với bè đảng của mình – có vẻ như đó không phải là lời khoe mẽ mà là sự thật rành rành.


Theo chiều hướng đó, vụ Stephenson bắt cóc, hãm hiếp và sát hại cô Madge Oberholtzer vào năm 1925 không khiến người ta ngạc nhiên bằng sự kiện rốt cuộc hắn phải chịu trách nhiệm về việc này. Cách kể chuyện của Egan có tính xác thực khi ông chuyển từ cảnh này sang cảnh khác – toa tàu nơi diễn ra vụ cưỡng hiếp; Bên giường bệnh của Oberholtzer, nơi cô dồn hết sức lực để đưa ra “lời tuyên bố lúc lâm chung”; nhà tù của hạt, nơi cảnh sát trưởng chăm nom cho “Steve” luôn được cung cấp rượu whisky, xì gà và những bữa ăn nấu ở nhà; và phòng xử án, nơi cái câu “Ta là luật pháp” được ném trả một cách mạnh mẽ vào mặt bị cáo. Xuyên suốt những cảnh này, Egan mang lại tính nhân văn cho Oberholtzer: Cô không chỉ là nạn nhân mà là một phụ nữ trẻ “gan góc”, người phản ánh tinh thần thời đại mà Klan tìm cách triệt tiêu. Với tư cách một câu chuyện, “A Fever in the Heartland” rất cuốn hút; với tư cách một suy ngẫm về hành vi vô đạo đức của những kẻ da trắng nắm quyền lực tối cao – bất kể chiêu bài nào mà nó khoác lên mình – cuốn sách là lời lên án mạnh mẽ.

Nhưng nó đi quá xa trong luận điểm chính: rằng Oberholtzer, như phụ đề của cuốn sách tuyên bố, đã “ngăn chặn” Klan trước khi tổ chức này có thể “thống trị nước Mỹ”. Đúng là phiên tòa xét xử Stephenson – tin tức được đưa trên trang nhất báo chí khắp nước – khiến nhiều người từ bỏ Klan, thậm chí đốt áo choàng của họ. Trong vòng một hoặc hai năm kể từ khi hắn bị kết án, cơn náo loạn ở vùng tâm điểm đó bị đập tan; KKK mất gần hết thành viên của nó. Tuy nhiên, vẫn là suy diễn quá xa khi lập luận rằng nếu không có lời khai của Oberholtzer thì “không có ai dập tắt ngọn lửa bao trùm đất nước”. Klan, như Gordon và những người khác cho thấy, vốn đã bị suy yếu do sự thối nát từ trong cốt lõi: Sự hối lộ và thái độ đạo đức giả của công chúng khiến các thành viên không có phẩm cấp của nó xa lánh, đồng thời khiến các đối thủ của nó, từ các biên tập viên Da đen đến các nhóm Công giáo và Do Thái cho đến những kẻ buôn rượu lậu và FBI, mạnh bạo lên. Cuốn sách của Egan kể lại một số câu chuyện về họ, nhưng khi nâng một câu chuyện lên trên tầm những câu chuyện còn lại, nó xem nhẹ những gì đã cấu thành một phong trào phản công, tuy lỏng lẻo nhưng hiệu quả. Cú đòn mà Madge Oberholtzer tung ra chống lại bạo lực và sự đồi bại cũng không kém phần khoa trương vì sự thực là những người khác cũng tung ra những cú đòn của chính họ.

* nguyên văn: Grand Dragon, một phẩm cấp trong tổ chức KKK; Grand Dragon thống trị một địa hạt rộng lớn được coi như vương quốc hoặc lãnh địa, trong khi KKK là một đế chế.

A FEVER IN THE HEARTLAND: The Ku Klux Klan’s Plot to Take Over America, and the Woman Who Stopped Them | By Timothy Egan | Illustrated | 404 pp. | Viking | $30

#makevietnamreadagain, #mvra, #langdujourneyinlife,

journeyinlife.net cố gắng chuyển ngữ các bài bình sách của New York Times -- tờ báo danh tiếng hàng đầu nước Mỹ (với hơn 10 triệu độc giả trả phí hằng tháng) tới độc giả Việt Nam, các bạn có thể ủng hộ journeyinlife số tiền bằng một ly cà phê (đọc báo buổi sáng); chính sự ủng hộ/tài trợ của các bạn giúp đội ngũ journeyinlife tiếp tục có nguồn lực, động lực để phục vụ bạn đọc mỗi ngày...

ủng hộ tại đây,

Chia sẻ: