Bị đánh giá thấp chính là vũ khí bí mật của cô

5 12 / 2023
Đăng bởi: lovebird21c

Bị đánh giá thấp chính là vũ khí bí mật của cô

nguồn: New York Times,

biên dịch: Takya Đỗ,



Trong “Flirting With Danger” (“Đùa dỡn với hiểm nguy”), Janet Wallach kể câu chuyện về Marguerite Harrison, người đánh đổi cuộc sống nhiều đặc quyền để trở thành nữ điệp viên quốc tế đầu tiên của Mỹ.

Bất kỳ ai phàn nàn về một chuyến bay của hãng hàng không Delta bị hủy sẽ phải thận trọng hơn khi nhìn vào tấm gương Marguerite Harrison. Là nữ điệp viên quốc tế đầu tiên của Mỹ, Harrison dọc ngang khắp thế giới bằng xích lô, máy bay cánh quạt, lạc đà, bè làm bằng da dê thổi căng và toa chở hàng trên tàu hỏa, và từng có lần miêu tả sinh động về chuyến hành trình xuyên Siberia mà cô bị lèn vào giữa những bao trà và yến mạch trên cỗ xe tam mã trong trận bão tuyết, như “một trải nghiệm hiếm có và thú vị”.

Là con gái của ông trùm vận tải biển Thời Phồn vinh giả tạo [1877-1900], Harrison làm tan vỡ những tham vọng xã hội cao ngất của mẹ mình (bà mẹ đã hy vọng có một tước hiệu), đầu tiên là bằng cách kết hôn với chủ ngân hàng địa phương, rồi sau đó – khi cô đột ngột góa chồng ở tuổi 37 – bằng cách thuyết phục để có được chân phóng viên chuyên về sự kiện xã hội và phê bình văn hóa cho tờ The Baltimore Sun. Cuối Thế chiến I, được lòng yêu nước và niềm đam mê du lịch thúc đẩy, cô nhiều lần nộp đơn xin vào Hải quân, rồi Quân đội, để được xem xét bổ nhiệm vào cơ quan tình báo quân sự, dù biết rằng rốt cuộc khi được tuyển dụng, cô sẽ dấn thân vào “sự nghiệp chẳng hứa hẹn gì ngoài nguy hiểm và bấp bênh.”

Do tuổi thơ sống qua những mùa hè ở châu Âu lục địa và được các nữ gia sư châu Âu dạy dỗ, Harrison nói tiếng Đức và tiếng Pháp hoàn hảo; sau này cô học tiếng Nga và tiếng Thổ Nhĩ Kỳ. Cũng không kém phần quan trọng là việc một gia sư đặc biệt dạy cô cách tán chuyện xã giao: “Hãy cứ ra vẻ trí thức nếu cần thiết, song em phải học cách trở nên quyến rũ. Nó sẽ đưa em đi xa hơn nhiều.”

Là điệp viên, nhà báo, nhà làm phim và nhà thám hiểm dày dạn, Harrison hiện diện trong nhiều thời khắc then chốt của thời kỳ đầy biến động và đầy ý nghĩa giữa hai cuộc thế chiến. Janet Wallach, người viết những cuốn tiểu sử về nhà thám hiểm Gertrude Bell và ông trùm bất động sản Hetty Green, kể lại những chiến tích đáng chú ý của nhân vật chủ đề của mình với sự hồi hộp, nhiệt huyết và khá nhiều sự mê hoặc huyền bí: Hãy nghĩ đến nhân vật điệp viên George Smiley trong chiếc áo khoác cổ lông chồn.

Wallach chủ yếu dựa vào tư liệu do chính Harrison viết, nó cho ta những miêu tả trực tiếp rất thú vị về một số nhân vật có ảnh hưởng nhất trong lịch sử. Nghiên cứu sâu rộng của Wallach cũng được sử dụng một cách hiệu quả, cho dù bà đang đề cập đến sự nổi lên của binh đoàn lê-dương Freikorps ở Berlin thời hậu chiến hay miêu tả chi tiết việc lựa chọn những con hàu và rượu sâm-panh tại các hộp đêm mờ ám ở thành phố đó.

Trang phục cũng không kém phần quan trọng: Đối với chuyến vượt qua sa mạc Gobi vất vả của Harrison, cô xếp vào va li chiếc áo khoác lông và những đôi tất lụa, và trong chuyến tìm kiếm các bộ lạc du mục ở miền trung Thổ Nhĩ Kỳ, cô mặc chiếc áo khoác kiểu đi săn bằng nhung kẻ và đội chiếc mũ cát trên vành buộc hờ chiếc khăn phất phới để ăn bữa tối với những người buôn lạc đà, theo lời tác giả kể cho chúng ta.


Cuốn sách mở đầu với cảnh ở Berlin ngay sau hiệp định đình chiến năm 1918, nơi chúng ta thấy Harrison đang gửi tin nhanh cho tờ The Sun về cuộc sống thời hậu chiến – cũng như các báo cáo được mã hóa cho tình báo quân đội Mỹ. Như chúng ta sẽ sớm biết, trong lộ trình này, cô đã thâm nhập vào các tổ chức xã hội ủng hộ phát xít, bài Do Thái vào ban ngày, sau đó vội vã đến các hộp đên bí mật vào ban đêm, nơi cô khiêu vũ với các sĩ quan hải quân Anh, kín đáo hất ly rượu của mình vào những chậu cây.

Vụ bổ nhiệm tiếp theo của Harrison là Nga. Cô là một trong những phụ nữ Mỹ đầu tiên đến thăm nhà nước Bolshevik mới đó, cô đi bộ đến đó qua Ba Lan sau khi yêu cầu báo chí của cô bị từ chối. Khi đến Moscow, dưới vỏ bọc nhà báo nổi tiếng, cô đi nghe opera với Lenin và gạ được Leon Trotsky trả lời cuộc phỏng vấn sau khi nói dối để vào được Điện Kremlin; bị mê hoặc, ông này đã hôn tay cô.

Bị một điệp viên hai mang nằm trong cơ quan tình báo Mỹ vạch mặt là gián điệp, Harrison phải ngồi tù 10 tháng trong nhà tù khét tiếng Lubyanka, những miêu tả về nhà tù này rất hấp dẫn. Khi cô được chuyển từ phòng biệt giam sang phòng giam tập thể, cô là người Mỹ duy nhất; một người bạn tù của cô là một nữ bá tước, người có ngôi nhà thuở trước đã góp phần truyền cảm hứng cho cuốn tiểu thuyết “Chiến tranh và hòa bình”. “Tình bạn trong tù là thứ chân thật nhất trên đời,” sau này Harrison viết thế.

Cô thành tin mới trên trang nhất các báo ở Mỹ khi được phóng thích năm 1921 như một phần của một cuộc trao đổi chính trị – công chúng Mỹ tin rằng cô là một thường dân kém may mắn – và sau khi trở về Mỹ một thời gian ngắn, Harrison lên tàu về hướng đông tới Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và tỉnh Siberia bị tranh chấp, đã về tay phái Bolshevik khi cô ở đó. Cô đi đến Ngoại Mông và tiến đến biên giới Siberia, nơi cô lập tức bị bắt lại và bị đưa trở lại nhà tù Liên Xô, cô nhanh chóng được phóng thích vì bệnh lao và xẹp phổi.

Di chuyển sang Đế chế Ottoman mới bị chia cắt, cô quan sát sự ra đời của Trung Đông như một trung tâm dầu mỏ đầy quyền lực. Cô đi theo nhà làm phim “King Kong” Merian Cooper để ghi lại cuộc di cư hằng năm của bộ tộc du mục Bakhtiari vượt qua tỉnh Khuzestan ngày nay, cưỡi la đi khi họ băng qua 150 dặm núi tuyết phủ – với cơn sốt trên 41C vì bệnh sốt rét. Harrison chỉ tuyên bố là đang tài trợ cho một bộ phim tài liệu; có lẽ lúc ấy cô vẫn đang làm việc cho chính phủ.

Một số đoạn miêu tả của Wallach quá lệ thuộc vào những câu khuôn sáo – đầy rẫy những “đôi mắt lấp lánh” và “miệng lưỡi sắc bén”– trong khi những miêu tả khác lại cường điệu một cách đắc ý: trong một thời gian ngắn khi bị ép buộc phải hoạt động như một điệp viên hai mang cho phe Bolshevik, Harrison “không còn đùa bỡn với hiểm nguy nữa, mà là đang đùa dỡn với tử thần”. Về chủ nghĩa khoái lạc đầu thời kỳ Weimar [1918-1933, ở Đức], tác giả viết: “Giống như những người phụ nữ ngực bự mặc áo nịt ngực thắt quá chặt, người dân Berlin dứt tung kiềm chế, thoát khỏi sự căng thẳng của họ.”

Wallach rất sáng suốt khi tập trung cao độ vào sự nghiệp điệp viên của Harrison, là phần thú vị nhất trong bản lý lịch đa dạng của cô song nó có thể để lại những câu hỏi vương vấn cho một số độc giả. Động cơ nào đã thúc đẩy người phụ nữ có vẻ chừng mực này dấn thân vào rủi ro và nguy hiểm? Con trai cô cảm thấy thế nào khi liên tục bị cô bỏ rơi vì các nhà tù ở Liên Xô? (Cậu viết cho một người bạn về “lòng khao khát được đi tù dường như vô phương cứu chữa” của mẹ cậu.) Rất nhiều tình bạn có lợi với các nguồn tin là nam giới được miêu tả, nhưng tất cả những gì chúng ta biết được là: “Cô luôn có cả đống đàn ông ôm chặt cô trên sàn nhảy, và không nghi ngờ gì rằng có vài người quấn quít tay chân với cô ban đêm: nhưng cô không bao giờ cho phép những mối quan hệ đó đi quá giới hạn thoáng qua.”

Chính bản thân Harrison viết năm cuốn sách, trong đó có “Asia Reborn” (“Châu Á phục sinh”) mà lâu nay vẫn được sử dụng làm giáo trình của Harvard, và “Marooned in Moscow” (“Bị cô lập ở Moscow”) về việc cô bị giam cầm ở Liên Xô, khiến tờ báo này miêu tả tác giả là “gan góc và hên vận”. Sau khi đọc hơn 300 trang về cô Harrison đáng nể đó, khó mà không đồng ý với miêu tả trên.

FLIRTING WITH DANGER: The Mysterious Life of Marguerite Harrison, Socialite Spy | By Janet Wallach | Illustrated | 342 pp. | Doubleday | $30

#makevietnamreadagain, #mvra, #langdujourneyinlife,

journeyinlife.net cố gắng chuyển ngữ các bài bình sách của New York Times -- tờ báo danh tiếng hàng đầu nước Mỹ (với hơn 10 triệu độc giả trả phí hằng tháng) tới độc giả Việt Nam, các bạn có thể ủng hộ journeyinlife số tiền bằng một ly cà phê (đọc báo buổi sáng); chính sự ủng hộ/tài trợ của các bạn giúp đội ngũ journeyinlife tiếp tục có nguồn lực, động lực để phục vụ bạn đọc mỗi ngày...

ủng hộ tại đây,

Chia sẻ: