nguồn: New York Times,
biên dịch: Takya Đỗ,
Cuốn “Broken Code” (tạm dịch “Mật mã bị phá giải”) của Jeff Horwitz sử dụng 25.000 trang tài liệu nội bộ để khám phá những hoạt động nội bộ náo nhiệt của tập đoàn này – và tác động hủy hoại của chúng đối với nhân loại.
Với sự chuyển hướng thú vị từ những câu chuyện thể loại phụ về Facebook, cuốn sách “Broken Code” của Jeff Horwitz không mở đầu bằng cảnh trong căn phòng ký túc xá của trường Harvard. Khai triển những khám phá trong loạt phóng sự bom tấn “Hồ sơ Facebook” trên tờ The Wall Street Journal, cuốn sách tập trung trực tiếp vào thập kỷ vừa qua. Nó mở đầu khi Facebook đã là một tập đoàn khổng lồ toàn cầu với số lượng người dùng lên tới hàng tỷ người – và với một giá trị tinh thần đặc trưng của công ty, cái giá trị còn chưa bao gồm khả năng tạo ra sự thay đổi chính trị và xã hội vô cùng to lớn.
Một vị cựu phó chủ tịch của Facebook nói với Horwitz: “Xây dựng thứ gì đó thì thú vị hơn nhiều so với đảm bảo an ninh và an toàn cho thứ đó. Ta sẽ không phải động chạm gì đến nó cho đến khi bị cơ quan quản lý hoặc báo chí chỉ trích.”
Là một câu trình bày luận điểm, nó thật rõ ràng hết mức. Hết lần này đến lần khác, bất chấp sự phản đối của những nhân viên được tuyển dụng để khiến Facebook thành một nơi an toàn cho người dùng, vị CEO Mark Zuckerberg và những phụ tá thân cận nhất của anh ta quyết ưu tiên tăng trưởng và sự tham gia hơn bất kỳ mục tiêu nào khác. Điều đó là sự thật hiển nhiên ngay cả khi chẳng ai lạ gì rằng những quyết định đó gây hại cho người dùng. Horwitz dựa trên vô số bằng chứng để chứng minh rằng, xét về mặt chính sách nhất quán, Facebook thà đi dọn dẹp sau những thảm họa thậm chí là nghiêm trọng nhất còn hơn ngăn chặn chúng.
Chi tiết kiểu báo chí trong cuốn sách này ở mức độ đáng khâm phục. “Broken Code” được phát triển dựa trên hơn 25.000 trang tài liệu nội bộ của Facebook, phần lớn trong số đó được chia sẻ bởi một nhân viên duy nhất: giám đốc sản phẩm Frances Haugen. Sự hợp tác của cô với cuộc điều nghiên của Horwitz rất phi thường: Trước khi rời khỏi tập đoàn này hồi tháng 5.2021, Haugen dành nhiều tháng trời gửi cho Horwitz những bức ảnh chụp màn hình lờ mờ từ chiếc điện thoại rác chụp các tập tin được lấy trên chiếc laptop ở nơi làm việc của cô.
Tài liệu mà cô và những người khác cung cấp là những tài liệu thiết yếu để đảm bảo độ chính xác mà “Broken Code” dùng để mổ xẻ những thất bại chiến lược của Facebook khi đề cập đên vai trò của tập đoàn này trong việc truyền bá thông tin sai lệch, sự rạn nứt chính trị và thậm chí là nạn diệt chủng. Cuốn sách chứa đầy những số liệu thống kê và giai thoại khiến người đọc mắt tròn mắt dẹt, đôi khi tàn khốc như George Orwell đã miêu tả trong cuốn tiểu thuyết “Nineteen Eighty-Four” (“Năm 1984”) của ông, những thứ mà chỉ có thể từ nội bộ đưa ra. Chẳng hạn, ta có thể hả hê với sự trớ trêu này: khoảng năm 2018, tập đoàn này thực hiện hơn 140 thay đổi khác nhau đối với hệ thống xác định bài đăng được hiển thị trên News Feed của bạn, nó đã thành công trong việc loại trừ tận gốc rễ những nhà xuất bản tin tức giả mạo trắng trợn nhất – thế nhưng Facebook không nhận được sự khen ngợi nào của công chúng về chiến thắng này sau khi Zuckerberg khăng khăng một mực rằng vấn đề do những kẻ chơi khăm đó gây chẳng có gì to tát.
“Broken Code” đôi khi cho cảm giác phức tạp chẳng kém gì bộ máy quan liêu của tập đoàn mà nó miêu tả. Đa phần cuốn sách nhảy từ khủng hoảng này sang khủng hoảng khác và từ tính cách này sang tính cách khác – có thể kể ra một số trong những điểm rắc rối nhất là vai trò của nền tảng này trong việc quảng bá chứng biếng ăn, phổ biến nội dung lạm dụng tình dục trẻ em, khích động cuộc bạo loạn ở Điện Capitol Ngày mùng 6.1.2021, khơi mào cuộc thanh lọc sắc tộc ở Myanmar và mở đường cho tình trạng nô lệ trong gia đình – mà không có cốt truyện rõ ràng hoặc thậm chí không có đến cả tiêu đề chương để làm cho văn bản bớt phức rối hơn. Facebook là tập đoàn khổng lồ, và những cuộc chiến Horwitz miêu tả thường liên quan đến các ưu tiên cạnh tranh của các nhóm khác nhau mà mối quan hệ giữa chúng khó có thể tránh khỏi tình trạng rối ren. Rõ ràng là sau một số năm viết những bài báo về Facebook, Horwitz đã có sẵn sơ đồ tổ chức kiểu ống kính vạn hoa rất ấn tượng trong đầu mình; nếu làm ghi chú cho nó thì sẽ rất hữu ích cho người đọc, như những bản đồ vùng Trung Địa trong các tiểu thuyết của Tolkien ấy.
Có những phần trong cuốn “Broken Code” cho ta cảm giác vội vã, những chỗ nhắc đi nhắc lại từ mức đơn thuần là gây khó chịu đến mức có thể gây nhầm lẫn. Khi giải thích nỗ lực của Facebook trong việc định lượng “các tương tác xã hội có ý nghĩa”, Horwitz viết “bình luận có vẻ có ý nghĩa hơn tương tác bằng biểu tượng cảm xúc và biểu tượng cảm xúc có vẻ có ý nghĩa hơn like”. Câu tiếp theo dường như quên hẳn câu trước: “Bình luận và chia sẻ cũng được đưa vào đâu đó. Nhưng làm cách nào để đánh giá tầm quan trọng tương quan của những hành động này thì vẫn chưa rõ.”
Quan ngại hơn nữa là những chỗ nhắc lại vênh nhau – như khi sáng kiến của tập đoàn này nhằm “che chở” người dùng VIP tránh bị kiểm duyệt nội dung được khen là bảo vệ được “ít nhất bảy triệu người dùng nổi bật nhất của nền tảng này” trên một trang sách và hai trang sau đó lại là sáu triệu người dùng – hoặc những chỗ nhắc lại khiến các chi tiết trở nên lẫn lộn.
Vài điểm không nhất quán đó lại càng nổi bật hơn trong một cuốn sách thường xuyên đưa ra những quan sát và lập luận nghiêm túc, tinh tế. Horwitz giải thích đơn giản mà thú vị về lý do khiến những người đứng đầu Facebook có thể không mau chóng nhận ra ảnh hưởng nguy hiểm của hiệu ứng mạng trên nền tảng này đối với người dùng bình thường, những người dễ bị tổn hại bởi thông tin sai lệch hơn những vị giám đốc thông thái hơn, có trình độ học vấn cao hơn, những người có feed (nguồn cấp tin) riêng cho họ thấy nội dung được tạo ra hoặc chia sẻ bởi những bạn bè thông thái, có học thức của họ. Horwitz viết: “Những đám cháy bùng phát ở các tầng dưới của Facebook phải biến thành hỏa ngục hoàn toàn trước khi những cư dân trên penthouse của nó ngửi thấy mùi khói”.
Không rõ rằng Zuckerberg có trả lời phỏng vấn riêng cho cuốn sách này hay không (một chú thích ở cuối sách chỉ nói rằng Facebook “cho phép phỏng vấn không tiết lộ danh tính với một loạt giám đốc của công ty”), nhưng trong ấn tượng của những người khác Zuckerberg nổi bật lên như một nhân vật hoàng đế xa cách, luôn bị phân tâm. Trong một tình tiết đáng nhớ, một chuyên gia máy-học dày kinh nghiệm đã phát triển một thay đổi tân tiến cho thuật toán mà, nếu được ứng dụng, nó sẽ làm giảm bớt tiếng nói của những người dùng tương tác thái quá, là những người có nhiều khả năng chia sẻ thông tin sai lệch. Zuckerberg lắng nghe trong 10 phút và ra lệnh: “Làm đi, nhưng hãy giảm tỷ trọng khoảng 80%,” một chỉ thị hiển nhiên là nhằm vô hiệu hóa sáng kiến này.
Câu chuyện bắt đầu cho cảm giác tập trung hơn khi Haugen được giới thiệu một cách hợp lý ở phần ba cuối cùng của cuốn sách. Phần này viết chắc tay nhất, kết hợp vai trò chủ chốt của Facebook trong việc truyền bá thông tin sai lệch và sự phân cực sau bầu cử với bi kịch truyền thông báo chí kiểu lưu-hành-nội-bộ về cách xuất bản các bài báo “Hồ sơ Facebook” diễn ra với Horwitz, Haugen và các nguồn tin khác.
Và, lẽ dĩ nhiên, với chính Facebook – sắp trở thành Meta, trong chiến dịch tái cấu trúc thương hiệu được công bố một tháng sau khi loạt bài “Hồ sơ Facebook” ra mắt. Trong một kết cục đáng buồn nhưng không thể tránh khỏi, nỗ lực của tập đoàn này nhằm kiểm soát tổn hại về mặt danh tiếng mà họ phải gánh chịu do loạt phóng sự của Horwitz đã dẫn đến cuộc “thẳng tay trừng trị” về việc rò rỉ thông tin và những hướng dẫn tự kiểm duyệt. Horwitz viết: “Toàn bộ nhân viên của Facebook làm việc về tính liêm chính và các vấn đề xã hội giờ đây đang phải báo cáo lên bộ phận Marketing theo đúng nghĩa đen”.
Trong những trang sách cuối cùng, Horwitz xem xét một thử nghiệm nội bộ trong đó hồi năm 2021 “những nhà khoa học dữ liệu bất mãn” của Facebook đã chỉ ra rằng khái niệm vững chắc làm nền tảng cho hầu như toàn bộ sự mâu thuẫn trong cuốn sách này – cái gì có lợi cho tính liêm chính thì lại có hại cho sự tham gia – là khái niệm sai ngay từ đầu. Việc giảm thứ hạng tính liêm chính của tập đoàn này đã khiến việc sử dụng Facebook kém đi chỉ trong sáu tháng; sau một năm, “công tác liêm chính đã bước đầu tạo ra mức tăng sử dụng khiêm tốn nhưng quan trọng về mặt thống kê.”
Khó mà tưởng tượng ra một cái kết bất ngờ sắc sảo hơn. Phát hiện này càng làm tăng thêm tính bi thảm của toàn bộ cuốn sách: Mỗi tình tiết đáng chê trách mà nó miêu tả giờ đây vừa là bi kịch đạo đức vừa là hài kịch chiến lược.
BROKEN CODE: Inside Facebook and the Fight to Expose Its Harmful Secrets | By Jeff Horwitz | Doubleday | 330 pp. | $32.50
#makevietnamreadagain, #mvra, #langdujourneyinlife,
journeyinlife.net cố gắng chuyển ngữ các bài bình sách của New York Times -- tờ báo danh tiếng hàng đầu nước Mỹ (với hơn 10 triệu độc giả trả phí hằng tháng) tới độc giả Việt Nam, các bạn có thể ủng hộ journeyinlife số tiền bằng một ly cà phê (đọc báo buổi sáng); chính sự ủng hộ/tài trợ của các bạn giúp đội ngũ journeyinlife tiếp tục có nguồn lực, động lực để phục vụ bạn đọc mỗi ngày...
ủng hộ tại đây,
Chia sẻ: