nguồn: New York Times,
biên dịch: Takya Đỗ,
Cuốn tiểu sử lớn về Magic Johnson [Johnson Huyền thoại] của tác giả Roland Lazenby cho ta thấy vô vàn chi tiết, dàn nhân vật khổng lồ và, ở mức độ nhất định, bức tranh phong phú sắc màu của thời đại chúng ta.
Có lần tôi hỏi một nhiếp ảnh gia chuyên chụp chân dung rằng vì sao không một ai mỉm cười trong những bức ảnh chị chụp, và chị trả lời: “Nụ cười là một cái mặt nạ”.
Tôi liên tưởng đến câu nói có tính cách ngôn này khi đọc cuốn tiểu sử dày 800 trang về Magic Johnson của Roland Lazenby. Tạp chí Sports Illustrated tuyên bố rằng nụ cười của anh là một trong hai nụ cười đẹp nhất thế kỷ 20. (Nụ cười kia là của Louis Armstrong.) Như Missy Fox, con gái vị huấn luyện viên thời trung học của anh, nói trong cuốn sách: “Đó là cái duy nhất anh ấy luôn mang, nụ cười đó”.
Nụ cười này biểu lộ từ rất sớm ở thành phố Lansing, bang Michigan “Cậu con trai mới sinh của Christine Johnson hay cười khúc khích và toe toét khiến tất cả những ai chứng kiến đều vui thích đến nỗi chẳng thể nào coi những nụ cười ấy chỉ là vu vơ,” Lazenby viết. Ít lâu sau, “hầu hết mọi người đều muốn chào đón cậu bé bằng cách làm mặt cười hoặc gây tiếng động ồn ào hoặc tung cậu lên xuống cho đến khi cậu ré lên và cười khúc kha khúc khích.”
Johnson là đứa trẻ gầy và cao lêu nghêu, có khả năng phối hợp phi thường và bị ám ảnh với bóng rổ. Khi bắt đầu học lớp bảy cậu cao 1,83m, khi bắt đầu học lớp mười cậu cao 1,98m. “Cậu thường có những ngày nghỉ hè say sưa với bóng rổ và cực kỳ phấn khích với môn này.” Tuy vậy, khi lên cấp trung học cơ sở, có điều gì đó sai sai. Cậu đọc kém, và “những người biết cậu lúc đó miêu tả cậu là người nói năng không rành mạch, tình trạng được giảm nhẹ và phần nào được che giấu bằng nụ cười và phong thái của cậu”. Vấn đề khả năng đọc của cậu, “được định nghĩa là chứng đọc khó”, khiến cậu “hết sức lúng túng ngượng ngùng”.
Song cậu có những kỹ năng khác, những niềm đam mê và kế hoạch khác. Con cái nhà Johnson chắc mẩm sẽ học tại một trường trung học gần đó, nơi là “trung tâm của cộng đồng này”. Nhưng các trường ở thành phố Lansing đã nghĩ ra một kế hoạch “thúc đẩy sự hòa nhập chủng tộc bằng cách dùng xe bus đưa đón học sinh da đen”. Những anh chị em lớn hơn trong gia đình Johnson được đưa xuyên thành phố đến trường Everett High, nơi chúng nhập vào nhóm khoảng 100 học sinh da đen trong ngôi trường có 2.500 học sinh “mà thời điểm đó 99% là học sinh da trắng”. Những chuyến xe bus đầu tiên đã được chào đón bằng những hòn đá ném.
Khi đến lúc Earvin Johnson phải đi học ở trường Everett, trực giác mách bảo cho cậu biết cách vượt qua vấn đề nhạy cảm là chơi cho một huấn luyện viên mà anh trai cậu (và bạn cùng phòng) rất ghét, cậu đạp xe xuyên suốt thành phố Lansing để tập ném bóng trúng rổ, mà không báo trước, trên đường lái xe vào nhà của huấn luyện viên.
Một nhận xét của Missy Fox về sự nghiệp trung học của Johnson, khi nhớ lại khung cảnh ồn ào trong các trận đấu của cậu, thì bật ra: “Cậu ấy lúc nào cũng vui vẻ. Mọi thứ đều rất hay ho thú vị và việc cậu lôi kéo mọi người tham gia khiến mọi thứ càng thú vị hơn. Cú chuyền bóng không cần nhìn mà cậu ấy sẽ thực hiện, họ gọi đó là cú chuyền bậc thầy vì cậu rất thích sáng tác một số lối chơi hấp dẫn dị thường”.
Có điều gì đó vừa háo hức vừa thân mật khi chị nhấn mạnh vào niềm vui. Giống như nhiều đối tượng được trích dẫn trong cuốn sách, chị đang nhìn lại câu chuyện lịch sử này sau nhiều thập kỷ, khi huyền thoại và lịch sử như tấm lưới dày đặc bao trùm Magic Johnson, Larry Bird và Michael Jordan cũng như sự ra đời của ngành kinh doanh và hiện tượng mang tính văn hóa là NBA. Có lẽ sự nhấn mạnh của chị vào niềm vui là một cách khác để nói rằng đây là lần cuối cùng Magic Johnson là một con người bình thường, một đứa trẻ trong đội bóng trường trung học được thành phố Lansing yêu quý, còn chưa phải là người nổi tiếng thế giới.
Có lẽ điều này đúng với tất cả những vận động viên siêu việt đã trở thành người của công chúng. Nhưng một trong những sự kiện thực tế thú vị trong cuốn sách này là cách mà Jordan, chỉ trẻ hơn vài tuổi, đã thần tượng hóa Magic Johnson đến mức còn đặt biệt danh cho bản thân mình là Magic Mike, và đưa tên đó lên biển số xe ô tô tự chọn của mình. Cứ thử tưởng tượng Jordan khép kín theo cách bạo liệt được đem so sánh với Magic mà xem. Cả hai đều là siêu sao, nằm trong số những cầu thủ xuất sắc nhất từng thi đấu cho đến nay, có ý chí chiến thắng không bao giờ thỏa mãn, song một người khép kín, cách biệt, lạnh lùng, còn người kia thì hoàn toàn ngược lại.
Năm 2019, khi Missy Fox đang kể lại câu chuyện này, ai đã có thể tưởng tượng được bộ phim truyền hình dài tập “Winning Time” (“Thời chiến thắng”) của HBO đưa lên phim những năm đầu tiên Magic chơi cho đội Lakers, hay bộ phim tài liệu 4 phần về Magic trên Apple TV, hoặc nỗi ám ảnh về Jordan ngày càng tăng đến mức bộ phim điện ảnh lớn “Air” (“Đôi giày Air Jordan”) được dựng xoay quanh thỏa thuận quảng cáo giày của anh. (Lúc bấy giờ, việc Jordan nhận được tiền bản quyền cho đôi giày mang tên anh là nguồn cơn gây khó chịu cho Magic và toàn bộ liên đoàn này.) Bộ phim tài liệu ngắn tập “The Last Dance” (“Vũ điệu cuối cùng”) về Jordan và Chicago Bulls ra mắt năm 2020, hồi đầu những tháng đại dịch vắng bóng giải bóng rổ NBA, thời điểm mà thậm chí bộ phim tài liệu cổ lỗ về đội bóng Dream Team từ năm 1992 cũng trở thành bộ phim đáng phải xem. Các tập phim mà Fox miêu tả bị cắt khỏi chương trình chỉ một hoặc hai năm do hai năm Johnson chơi cho đội Michigan State, là thời gian mà ảnh hưởng của anh, cùng với ảnh hưởng của Bird, bắt đầu lan tỏa trên toàn quốc.
Lazenby (tác giả của những cuốn sách trước đây về đội Lakers) đưa vào cuốn này một giai thoại về những phóng viên bình luận trực tiếp của NBC [Công ty Phát thanh Truyền hình Quốc gia] là Billy Packer và Al McGuire đang chuẩn bị cho trận tranh chức vô địch năm 1979 giữa đội Indiana State của Bird với đội Michigan State. Giám đốc sản xuất chương trình là Don Ohlmeyer đến muộn trong cuộc họp sản xuất và khi anh này được yêu cầu nghe tóm lược ý tưởng cho chương trình trước trận đấu, tập trung vào các đội thi đấu, các huấn luyện viên và các trường của họ, anh trả lời: “Đó là thứ chết tiệt ngớ ngẩn nhất tôi từng nghe nói đến. Các cậu chẳng hiểu đếch gì về cái mà các cậu đang bàn luận. Câu chuyện đích thực về trận đấu này sẽ là Bird và Johnson. Nó sẽ là một phần của lịch sử môn bóng rổ.”
“Thời điểm đó,” Lazenby lưu ý, “chẳng có một chương trình quốc gia nào có tầm cỡ và nổi bật trên truyền hình thể thao của Mỹ”.
Điều lạ lùng về cuốn tiểu sử được nghiên cứu kỹ lưỡng, toàn diện, rất giàu kiến thức và truyền thống văn hóa về môn bóng rổ này, là những phần hay nhất hoàn toàn chẳng liên quan gì đến bóng rổ. Nhiều trang được dành cho những câu truyện về các trận đấu lại là mặt kém hấp dẫn nhất của cuốn sách. Những cái mà cuốn “Magic” đem đến cho ta là vô vàn chi tiết, dàn nhân vật khổng lồ và, ở mức độ nhất định, bức tranh phong phú sắc màu của thời đại chúng ta khi được minh họa bởi nhân vật tài năng lỗi lạc và hấp dẫn này.
Trong cuộc họp báo rầm rộ về vòng thi đấu của NCAA [Hiệp hội Thể thao các trường Quốc gia của Mỹ], Johnson cho biết anh yêu bóng rổ đến mức nào và không bao giờ chán môn này. “Bất kỳ ai khác, kể cả các cô gái, phải nhận ra rằng bóng rổ là ưu tiên hàng đầu trong cuộc đời tôi.”
Nói về các cô gái đó: Lazenby dành cho cuộc thác loạn diễn ra ở Los Angeles sự chú ý nhiều hết mức nó đáng được, tức là rất nhiều. Các thuật ngữ như "chứng cuồng dâm" và "hành vi cưỡng bức tình dục" được cân nhắc kỹ. Mae West được viện dẫn. Ta biết được quy tắc của anh này là “từ chối vào những ngày thi đấu để tham gia thi đấu cho đến tận sau trận đấu, rồi sau đó nốc đẫy,” nghe rất giống người nghiện rượu chờ đến 5 giờ chiều để uống. Ta đọc được rằng có những phụ nữ đã hối lộ nhân viên khách sạn để họ khỏa thân ngồi trên giường khi anh về phòng mình. Ta nghe nói về tình dục không an toàn. Trong thời gian ở trại huấn luyện, một nhóm cầu thủ và nhân viên của đội Lakers đã bàn thảo về khả năng Johnson bị nhiễm bệnh AIDS. Họ kết luận: “Nếu anh ấy không bị nhiễm, thì bạn không thể bị nhiễm được”.
Năm 1991, khi mới xuất hiện chẩn đoán HIV, ai cũng hiểu đó là một bản án tử hình. Magic biến nỗi bất hạnh này thành một thứ gì đó tích cực khi anh gia nhập Ủy ban Quốc gia phòng chống AIDS của Tổng thống George H.W. Bush, anh trở thành người phát ngôn cho những người bị nhiễm HIV. Chi tiết về sự bất hòa giữa anh và Isiah Thomas, và sự tình nghi về vai trò của Thomas trong những tin đồn về việc Johnson có thể đã nhiễm bệnh ra sao, tuy giật gân song cũng đau lòng, đặt dấu chấm hết cho một mối quan hệ bạn bè từng rất chân tình.
Đoạn cuối trong sự nghiệp của Magic được đề cập tương đối thận trọng, dù có cảnh hấp dẫn minh họa Magic như ông hoàng tương lai đang quảng bá với Peter Guber, chủ tịch hãng Sony Pictures, về cộng đồng yêu thích phim ảnh nhưng không có rạp phim tử tế. Guber muốn biết miền đất hứa Shangri-La của những thị trường chưa được khai thác đó nằm ở đâu, và Magic chùng chình câu giờ mãi trước khi tiết lộ bí mật to lớn: “Nó nằm cách đây 15 phút,” ông nói, khi đang ở Nam L.A. “Chỗ đó và 30 địa điểm nữa trên đất Mỹ, nơi cộng đồng Mỹ gốc Phi hoàn toàn không được cung cấp dịch vụ.” Câu trả lời của Guber có thể đại diện cho câu trả lời của nhiều người đã từng đấu trí với Johnson: “Ồ!”
Ở phần lời cảm ơn những người đóng góp cho cuốn sách, ta thấy rằng những người thân cận với Magic đã nói khá chi tiết một cách công khai, nhưng ta cũng thấy bản thân ông không được phỏng vấn trực tiếp. Magic cứ thoái thác mãi và cuối cùng thì từ chối. Hóa ra ông đang sản xuất một bộ phim tài liệu về chính mình.
MAGIC: The Life of Earvin “Magic” Johnson | By Roland Lazenby | Celadon Books | 813 pp. | $40
#makevietnamreadagain, #mvra, #langdujourneyinlife,
journeyinlife.net cố gắng chuyển ngữ các bài bình sách của New York Times -- tờ báo danh tiếng hàng đầu nước Mỹ (với hơn 10 triệu độc giả trả phí hằng tháng) tới độc giả Việt Nam, các bạn có thể ủng hộ journeyinlife số tiền bằng một ly cà phê (đọc báo buổi sáng); chính sự ủng hộ/tài trợ của các bạn giúp đội ngũ journeyinlife tiếp tục có nguồn lực, động lực để phục vụ bạn đọc mỗi ngày...
ủng hộ tại đây,
Chia sẻ: