Nếu được sở hữu một siêu năng lực…

23 12 / 2023
Đăng bởi: lovebird21c

Nếu được sở hữu một siêu năng lực…

nguồn: New York Times,

biên dịch: Giang Minh Anh; hiệu đính: Nguyễn Quỳnh Anh,



Trong cuốn sách “Invisibility” (Tàng hình), giáo sư vật lý và khoa học quang học Gregory J. Gbur đi sâu nghiên cứu lịch sử và tương lai của một kỹ thuật dẫn truyện được nhiều người yêu thích.

Câu chuyện lịch sử của tác giả Gregory J. Gbur không nhắc câu nào đến động cơ thường thấy trong tiểu thuyết và phim ảnh đại chúng khi người ta theo đuổi năng lực tàng hình: khả năng nhìn lén người khác khỏa thân. Ngay từ thời tác phẩm “The Invisible Spy” (Điệp viên vô hình) (1754) của Eliza Haywood, các nhà văn đã lo lắng, hoặc mừng rỡ, với khả năng sử dụng năng lực tàng hình để rình mò “phòng thay đồ, tủ quần áo và nơi riêng tư”; thậm chí cả Người Vô Hình kiêu ngạo của H.G.Wells cũng không ngại ăn trộm quần áo của những kẻ quấy phá, khiến họ phải khỏa thân truy đuổi anh ta khắp quảng trường. Cuốn “Invisibility” cũng không đi sâu vào cám dỗ muốn thực hiện những hành vi trộm cắp và tống tiền mà không bị phát hiện — liên quan đến gián điệp — nhưng có đề cập đến một trong những câu chuyện ngụ ngôn sớm nhất về năng lực tàng hình trong văn minh phương Tây.

Trong “The Republic” (Cộng Hòa), Plato kể câu chuyện người chăn cừu Gyges, người này tìm thấy chiếc nhẫn vàng khiến người đeo trở nên vô hình. Ngay khi Gyges chứng minh được chiếc nhẫn có tác dụng, hắn ta liền hành động: Hắn xâm nhập vào hoàng cung, quyến rũ hoàng hậu, âm mưu cùng bà ta, giết hại đức vua và chiếm lấy vương quốc. Plato viết, “Không người nào,” nếu được ban tặng khả năng tàng hình, “có tâm hồn đủ vững chắc sắt đá để giữ vững công lý.” Lời kể của Plato là câu chuyện ngụ ngôn về những giằng xé giữa đạo đức và ý chí tự do, nhưng có thể hiểu theo nghĩa hẹp là kết luận của ông về thái độ của nhân loại đối với năng lực tàng hình. Nếu có thể tìm ra cách tàng hình, bạn có thể thống trị thế giới.


Tác giả Gbur, giáo sư vật lý và khoa học quang học tại Đại học Bắc Carolina ở Charlotte, bắt đầu kể lại lịch sử bằng cách tiết lộ thông tin có thể khiến những độc giả không quen thuộc với nghiên cứu về khả năng tàng hình cảm thấy kinh ngạc: “Những bài báo khoa học đầu tiên mô tả tính chất vật lý của áo choàng tàng hình công bố vào năm 2006, được khắp mọi nơi công nhận xác đáng là cuộc cách mạng đối với ngành vật lý”. Tác giả Gbur khép lại cuốn sách, sau khi độc giả theo dõi qua từng trang, bằng một tiết lộ bất ngờ nữa: “Đừng mong đợi sớm có áo choàng tàng hình.” Tác giả nói thêm, vô số những thử thách phức tạp liên quan có thể “sẽ không bao giờ hoàn toàn khắc phục được”. Giữa hai lời khẳng định mâu thuẫn, thậm chí có phần trái ngược này, là lịch sử khoa học nghiêm túc, cùng một số thảo luận ngắn hữu ích về những hư cấu xung quanh năng lực tàng hình. Độc giả bình thường ngậm ngùi nhận ra khoa học về năng lực tàng hình chính là khoa học ánh sáng.

Hầu hết nội dung cuốn sách “Invisibility” tập trung vào khám phá của Isaac Newton, Ernest Rutherford, Michael Faraday, Max Planck, Albert Einstein và những nhân vật nổi tiếng khác trong sách giáo khoa vật lý trung học. Trong 3/54 đầu cuốn sách, chúng ta học được nhiều điều về sự khác biệt giữa giao thoa tăng cường và giao thoa triệt tiêu, sóng dọc và sóng ngang, tính duy nhất của bài toán tán xạ nghịch đảo và tính không duy nhất của bài toán nguồn nghịch đảo. Chúng ta được tìm hiểu về khởi đầu sự nghiệp của nhà thiên văn học William Herschel khi còn là người chơi đàn organ trong nhà thờ và nhà vật lý Thomas Young từng đọc hết Kinh thánh hai lượt khi mới 4 tuổi. Nhưng khả năng tàng hình về mặt khoa học hầu như không xuất hiện trong câu chuyện — ngoại trừ đôi lần được nhắc đến làm chi tiết ẩn ý điềm báo — cho đến khi kể tới năm 1975.

Bài báo khoa học đầu tiên về một vật thể vô hình bị phớt lờ hoàn toàn, và với lý do chính đáng. Được đăng trên Tạp chí Hiệp hội Quang học Mỹ, bài báo miêu tả một vật thể lý thuyết nhỏ hơn bước sóng ánh sáng — hình cầu có kích thước bằng hạt bụi — sẽ không làm tán xạ sóng điện từ chiếu vào nó. Nghiên cứu này được ngành công nghiệp sơn tài trợ, họ vốn quan tâm đến “tác động của các khoảng trống siêu nhỏ đối với khả năng che phủ của sơn”. Mạch kể chuyện phải đi đến giữa thập niên 1990, tác giả Gbur mới kể đến nguồn gốc của “vật lý tàng hình hiện đại”.

Các nhà nghiên cứu nhận thấy có thể thiết kế vật liệu tổng hợp khiến sóng điện và từ phản xạ triệt tiêu lẫn nhau. Để làm được như vậy, cần phải điêu khắc các cấu trúc ba chiều với độ chính xác cực kỳ cao, với kích thước chỉ bằng một phần mười tỷ mét. Hiện nay, điều này không thể thực hiện được. Tuy vậy, những phát hiện này dẫn đến một loạt thiết bị che phủ không hoàn hảo và ảo ảnh quang học có tác dụng một phần, ở cấp độ vi mô, hoặc trên lý thuyết. Tiến bộ hơn nữa cũng đạt được trong các lĩnh vực che giấu sóng liên quan: áo choàng nhiệt, áo choàng âm thanh, áo choàng tĩnh điện. Năm 2012, các nhà nghiên cứu thiết kế một loạt cấu trúc hình trụ, khi chôn dưới lòng đất quanh một tòa nhà, sẽ bảo vệ tòa nhà khỏi động đất bằng cách chuyển sóng địa chấn thành các vụ nổ âm thanh và nhiệt. Năm 2016, các nhà nghiên cứu chỉ ra cây được trồng theo cách bố trí nhất định cũng đạt được cùng hiệu quả trên: khu rừng triệt tiêu được động đất. Tiếp theo là khái niệm về “thành phố vô hình” — đô thị được thiết kế để không bị sóng địa chấn phát hiện.

Khoa học về khả năng tàng hình phần lớn vẫn chỉ mang tính lý thuyết và trừu tượng. Chính trong văn học, khả năng này mới trở nên sống động, và tác giả Gbur có thể là chuyên gia hàng đầu thế giới về tiểu thuyết tàng hình. Cuốn sách của ông bao gồm cả thư mục bình thường và thư mục về tàng hình dài đến hàng chục đầu mục, và tác giả Gbur vui vẻ thừa nhận nó vẫn chưa hoàn thiện “nếu xét đến số lượng câu chuyện tôi tìm thấy chỉ bằng cách lướt qua các tạp chí tiểu thuyết viễn tưởng cũ.” Mối quan tâm của tác giả Gbur đối với tiểu thuyết tàng hình chủ yếu mang tính khoa học. Ông quan tâm đến những miêu tả về cơ chế tàng hình hư cấu hơn là việc các tác giả sử dụng khái niệm này để khám phá chủ đề ý chí tự do, mong muốn và nỗi sợ hãi về những điều chưa biết. Nhưng có vẻ đáng chú ý, phong cách chủ đạo của văn học viết về tàng hình là khai thác nỗi kinh hoàng tột độ.

Trong những câu chuyện như “The Horla” của Guy de Maupassant, “What Was It?” của Fitz James O'Brien và “The Damned Thing” của Ambrose Bierce, nhân vật bị ám ảnh với những bóng hình ma quỷ không rõ từ đâu đến và sức mạnh hoặc trí tuệ siêu nhiên. Tìm lời giải thích cho hợp lý là vô nghĩa và rốt cuộc không mang lại kết quả gì. Càng biết ít về những bóng ma này càng tốt. Bi kịch trong những câu chuyện này nằm ở tội lỗi nguyên bản do chính sự tồn tại của những sinh vật ấy. Một khi để chúng tồn tại, không có cách nào thoát khỏi chúng; tốt nhất chúng đừng bao giờ sinh ra. Nếu các tác giả này có điều gì muốn nhắn nhủ với các thế hệ nhà khoa học nghiên cứu tàng hình trong tương lai, thì đó là: Hãy dừng lại trước khi quá muộn.

INVISIBILITY: The History and Science of How Not to Be Seen | By Gregory J. Gbur | 280 pp. | Yale University Press | $30

#makevietnamreadagain, #mvra, #langdujourneyinlife,

journeyinlife.net cố gắng chuyển ngữ các bài bình sách của New York Times -- tờ báo danh tiếng hàng đầu nước Mỹ (với hơn 10 triệu độc giả trả phí hằng tháng) tới độc giả Việt Nam, các bạn có thể ủng hộ journeyinlife số tiền bằng một ly cà phê (đọc báo buổi sáng); chính sự ủng hộ/tài trợ của các bạn giúp đội ngũ journeyinlife tiếp tục có nguồn lực, động lực để phục vụ bạn đọc mỗi ngày...

ủng hộ tại đây,

Chia sẻ: