Ăn thịt bọn nhà giàu ư? Thay vì thế, cùng dùng bữa với họ được không?

11 12 / 2023
Đăng bởi: lovebird21c

Ăn thịt bọn nhà giàu ư? Thay vì thế, cùng dùng bữa với họ được không?

nguồn: New York Times,

biên dịch: Takya Đỗ,



Trong cuốn “Flight of the WASP*” (“Sự bay bổng của WASP”), nhà văn sừng sỏ chuyên bới móc Michael Gross dành cho những gia đình ưu tú của nước Mỹ sự đối xử đặc biệt tận tình.

Phương tiện truyền thông xã hội đã khai tử Danh sách Giới thượng lưu chưa? Hay giới WASP vẫn có thứ gì đó để hiến tặng cho những người còn lại chúng ta?

Do quyền lực và tầm ảnh hưởng của họ ở Mỹ cho dù có đang suy giảm vẫn là cực kỳ to lớn, giới tinh hoa da trắng theo đạo Tin lành [WASP] là một trong số ít nhóm sắc tộc mà người ta cảm thấy có thể chế giễu được. Sự thể đó bắt đầu bằng chính cụm từ viết tắt WASP, có nguồn gốc mơ hồ – một phóng viên của tờ New York Times tìm thấy nó trên tờ The New York Amsterdam News hồi năm 1948 – nhưng nhờ nhà xã hội học E. Digby Balltzell nó đã in sâu vào cách sử dụng thông thường.

Cuốn “The Official Preppy Handbook” (“Cẩm nang chính thức cho sinh viên dự bị”– xuất bản năm 1980), do Lisa Birnbach biên tập, là tác phẩm kinh điển đúng nghĩa về óc hài hước trong quan sát, nhận diện trang phục, đồ vật và tập quán của WASP chẳng hạn như các họa tiết hoa nhí, trang trí hình con vịt và trường nội trú. Cuốn “The WASP Cookbook” (“Sách dạy nấu ăn của WASP” – xuất bản năm 1997) của Alexandra Wentworth đặt công thức chế biến những món tầm tầm như thịt bò thái mỏng phủ kem và cocktail rượu mạnh trong những trang bìa bằng nhung xanh.

Tôi những mong “Flight of the WASP” của nhà báo và tác giả Michael Gross sẽ là tác phẩm mới nhất bước vào đền thờ sự nhạo báng kiểu Muffy này, nhưng không phải. Cuốn sách là phòng trưng bày chân dung trang trọng, chân thật và khá đông đúc gồm hơn chục những cái tên cổ kính quan trọng – những Biddle, Peabody, Whitney, và những cái tên khác – những cái tên lạnh lùng giải thích cho những hành động tệ hại của họ đồng thời cũng liệt kê những hành động cao quý của họ.

Chẳng hạn như người thừa kế ngành đường sắt và nhà cổ sinh vật học Henry Fairfield Osborn, vị chủ tịch lâu năm của Viện Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Mỹ, là người nhiệt thành ủng hộ thuyết ưu sinh. Vị chính khách đầu thế kỷ 19 Lewis Cass là người tận tâm khởi xướng điều mà ông ta gọi là “di dời dân da đỏ”. (Thoáng chút hả lòng khi đọc đoạn nói về ông ta “mất mặt khi một con đường đắp cao bị sụt xuống tại một sự kiện và ông ta bị rơi tõm xuống sông Hudson, rồi ngoi lên mặt nước mà thiếu mất mớ tóc giả.”) Và “giai cấp thống trị đầu tiên của nước Mỹ”, như tiêu đề phụ của Gross gọi nó, dĩ nhiên cũng phạm phải và duy trì “tội lỗi nguyên bản của nước Mỹ”: chế độ nô lệ.

Bất chấp những điều này, tác giả lập luận rằng tầng lớp quý tộc WASP đã tiến tới chỗ ủng hộ những lý tưởng nhất định – “sự khiêm tốn, tinh thần trách nhiệm, phép lịch sự đơn thuần,” ông liệt kê, hai lần – là những lý tưởng đáng được hồi sinh, cho dù Donald Trump “biểu trưng cho vận bĩ của thị tộc” và Joe Biden, “mẫu mực của sự đứng đắn,” tình cờ lại là người theo Công giáo.


Gross là người thích chọc ngoáy vào mặt tối của những thứ hấp dẫn, ông viết nhiều cuốn sách bao gồm “Genuine Authentic” (“Hàng xịn”), tiểu sử không được ủy quyền về Ralph Lauren, nhà thiết kế người Do Thái và cũng là người quảng bá thành công nhất cho tính thẩm mỹ của WASP trên thế giới, cuốn tiểu sử mà hai nhà phê bình khác nhau của New York Times đều cho là “nanh nọc như mèo.” (Là người thích mèo, tôi thấy cuốn đó khá hấp dẫn, giống như cuốn “Model: The Ugly Business of Beautiful Women” (“Người mẫu: Nghề nghiệp xấu xí của những phụ nữ xinh đẹp”) của ông.) Ông viết những cuốn sách về hai tòa nhà chung cư sang chảnh nhất Thành phố New York, và cố chọc ngoáy Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan, và phải né tránh cà chua thối từ những người được ủy thác trông nom nó.

“Flight of the WASP” là con ngựa với màu lông khác (và vì cuốn sách nói về các WASP nên cũng bao gồm rất nhiều ngựa). Cuốn sách mở đầu bằng năm 1609, với William Bradford từ Anh đến Mỹ trên con tàu Mayflower, ông là người khởi xướng Lễ Tạ ơn. Chu du qua những tên tuổi, những chính quyền và những hoạn nạn dày đặc như bụi rậm (“Trưởng lão Brewster mất hai con gái của ông là Fear and Patience vì bệnh đậu mùa”), chúng ta chưa thực sự bước vào lãnh thổ quen thuộc của Gross cho đến khi gặp danh sách Bốn trăm của Ward McAllister, những con gà tây nhồi nấm và những sự điên rồ khác của Thời đại Vàng son.

Chương ngắn gọn nhất có tên “Decadence” (“Thời kỳ suy đồi”), nói về Michael Butler, dòng dõi một danh gia vọng tộc trong ngành sản xuất giấy và hàng không, người kết bạn với John F. Kennedy và sau này dàn dựng vở nhạc kịch “Hair” ở Broadway – thỉnh thoảng anh ta cũng tham gia cùng dàn diễn viên trong cảnh khỏa thân khét tiếng của vở kịch.

Butler trải qua tuổi thơ có nhiều đặc quyền nhưng dữ dội, được đánh dấu bằng cú ngã từ một con ngựa hồng có tên Do It for Christmas khiến cánh tay phải của anh gần như bị hủy hoại. Anh là người song tính luyến ái, từng có những buổi hẹn hò với Rock Hudson và, như cuốn sách này hàm ý, cả Tyrone Power, người mà anh hy vọng sẽ đóng vai chính trong vở kịch chuyển thể từ tiểu thuyết “Messiah” của Gore Vidal.

Hổ thẹn vì việc kinh doanh hộp đêm trên Đảo Lửa bị thất bại, anh đột ngột từ bỏ cuộc hôn nhân thứ hai trong ba cuộc hôn nhân của mình, với Robin Boyer ở Main Line [ngoại ô Philadelphia]. (Anh chỉ thổ lộ với cô rằng anh là người song tính luyến ái trong đêm tân hôn.) “Sao anh ta lại yếu kém về mặt đạo đức đến thế?” cô thắc mắc với Gross, người đóng vai trò kiểu như chim bồ câu đưa thư giữa hai người. “Anh ta thực sự đã hủy hoại thanh danh của tôi. Thật là hạng kém cỏi.”

Những cuộc phỏng vấn với cô này, với Butler (người mới qua đời cuối năm ngoái) và một số người khác là những khoảnh khắc sinh động hiếm hoi trong cuốn sách mà phần lớn chỉ là một tác phẩm lịch sử được tái hiện từ các nguồn tin thứ cấp, dù tác giả có cần cù đến mấy. Về vấn đề này, Gross đổ lỗi cho đại dịch coronavirus khiến nhiều kho lưu trữ phải đóng cửa.

Nhưng những lời chú thích dài dòng cuối trang của ông dường như chỉ là cuộc diễu hành qua những cuốn sách khác, như cuốn “Gentleman Revolutionary” (“Quý ông làm cách mạng”) của Richard Brookhiser viết về một trong những tổ phụ lập quốc của nước Mỹ là Gouverneur Morris. (Brookhiser cũng viết cuốn “The Way of the WASP” (“Con đường của WASP”) xuất bản năm 1991, là tiền thân của những cuốn sách kiểu như cuốn của Gross.) Morris cũng bị thương tổn một chi không thể chữa lành: chân trái của ông, sau khi ông bị ném xuống từ một cỗ xe ngựa, mặc dù thương tổn này không làm ông chậm lại về mặt giao tiếp xã hội hay nghề nghiệp. “Ông là linh hồn của bất kỳ bữa tiệc nào mà ông hiện diện,” Gross viết.

“Flight of the WASP” còn khuya mới là một bữa tiệc. Nói đúng hơn, nó giống như đem thu nhỏ một vài tập của bộ Bách khoa toàn thư Britannica cũ, bìa của chúng không phải bằng nhung xanh mà là giả da màu đỏ: khá hữu dụng như một cánh cửa dẫn đến những tư liệu khác, nhưng hơi bụi bậm và dấp dính.

“Tôi tìm cách nhìn lại – không phải với con mắt giận dữ, đố kỵ hay thương tiếc, mà với con mắt nhìn mới mẻ, tò mò xen chút ngưỡng mộ điềm tĩnh – một số ít gia đình WASP mang tính biểu tượng đã tạo ra nước Mỹ như ngày nay, cả về mặt tốt lẫn mặt xấu” là cách giải thích của Gross về ý tưởng cuốn sách của mình. Nhưng đó là một số ít các tỷ phú công nghệ ăn mặc giản dị hiện đang làm nên nước Mỹ trong tương lai.

* WASP: từ viết tắt của White Anglo-Saxon Protestants, là cụm thuật ngữ được dùng ở Mỹ để chỉ những người Mỹ da trắng theo đạo Tin lành, những người mà nói chung là thành phần của nền văn hóa da trắng thống trị hoặc tầng lớp thượng lưu và trong lịch sử thường là giới tinh hoa Tin lành chính thống.

FLIGHT OF THE WASP: The Rise, Fall, and Future of America’s Original Ruling Class | By Michael Gross | Atlantic Monthly Press | 480 pp. | $30

#makevietnamreadagain, #mvra, #langdujourneyinlife,

journeyinlife.net cố gắng chuyển ngữ các bài bình sách của New York Times -- tờ báo danh tiếng hàng đầu nước Mỹ (với hơn 10 triệu độc giả trả phí hằng tháng) tới độc giả Việt Nam, các bạn có thể ủng hộ journeyinlife số tiền bằng một ly cà phê (đọc báo buổi sáng); chính sự ủng hộ/tài trợ của các bạn giúp đội ngũ journeyinlife tiếp tục có nguồn lực, động lực để phục vụ bạn đọc mỗi ngày...

ủng hộ tại đây,

Chia sẻ: