Vùng đất đầy ánh nắng cho những con người bất minh

7 11 / 2023
Đăng bởi: lovebird21c

Vùng đất đầy ánh nắng cho những con người bất minh

nguồn: New York Times,

biên dịch: Nguyễn Quỳnh Anh,



Cuốn sách “Once Upon a Time World” (Thế giới ngày xửa ngày xưa) của Jonathan Miles là cuộc phiêu lưu quay cuồng thú vị đi qua vùng đất là nàng thơ quyến rũ nhất thế giới: vùng Riviera nước Pháp.

Đọc câu chuyện ly kỳ về những biến đổi của vùng Riviera nước Pháp trong suốt hai thiên niên kỷ chẳng khác nào ngồi ghế phụ cạnh lái với một tay đua ở giải Monaco Grand Prix.

Với mỗi vòng lặp thời gian, người quan sát sẽ thay đổi — từ nhà tự nhiên học và các vị vua cho đến vũ công, nhà văn, nhà soạn nhạc, nghệ sĩ, triết gia, chính khách, ban nhạc Rolling Stones và khách du lịch. Bối cảnh thay đổi theo mạch kể, gợi lại những giấc mơ từng được ghép vào khung cảnh hiểm trở nơi đây: lâu đài, sòng bạc, du thuyền.

Tại thị trấn La Turbie, Tượng đài chiến thắng dãy Alps, cao 35 mét, được dựng lên năm 6 TCN để kỷ niệm chiến thắng của Hoàng đế Augustus khi chinh phục dân địa phương. (Trong cuộc rượt đuổi bằng ô tô trong bộ phim “To Catch a Thief” của Hitchcock, Cary Grant và Grace Kelly lướt qua quá nhanh không kịp chiêm ngưỡng cho kỹ tượng đài.) Các tượng đài khác ít được người ta thấy hơn, và nhà sử học văn hóa người Anh Jonathan Miles kể lại câu chuyện của những tượng đài ấy.


Từng có thời điểm địa hình Riviera lởm chởm, vách đá đầy thông, không khí trong lành và làn nước “tuyệt vời màu ngọc bích và thạch anh tím” (theo miêu tả của Gerald Murphy, người thì thầm của Thế hệ đã mất) là điều hầu hết người bên ngoài không thể tiếp cận được. Cho đến tận khi tàu hỏa tới được vùng Côte d'Azur năm 1866, du khách phải đi bằng đường biển, đi bộ hoặc ngồi "trên lưng con la" — và không ai thực hiện hành trình gian khổ như vậy chỉ để có được làn da rám nắng của vùng Saint-Tropez.

Có một điều; tắm nắng không phải là mốt thời trang cho tới tận thế kỷ 20, sau khi Gerald, Sara Murphy và Coco Chanel tạo ra xu hướng này trên các bãi biển Antibes và Monte Carlo. Mặt khác, Saint-Tropez chỉ là làng chài khiêm tốn cho đến khi cánh nhà văn như Guy de Maupassant, Colette và họa sĩ – Matisse, Bonnard, Derain – biến nơi này thành điểm đến huyền thoại bằng ngòi bút và cọ vẽ.

Những vị khách đầu tiên chủ yếu tìm đến vì lý do sức khỏe — mặc dù, theo Maupassant, lời khuyên của bác sĩ rằng bệnh nhân nên chữa bệnh ở miền Nam “nhìn chung là cảnh đầu tiên của màn cuối cùng trong vở kịch”.

Nhưng ngay cả trong những ngày tháng ban đầu ấy — thậm chí trước cả khi có Monte Carlo, chứ đừng nói đến sòng bạc — khu vực này đã đầy rẫy những kẻ vô lại sẵn sàng săn lùng những người mới đến giàu có. Chẳng hạn, năm 1810, Nữ hầu tước Bute ốm yếu có được giấy phép đi du lịch miền Nam nước Pháp. Khi cỗ xe chở bà leo lên con đường trên ngọn đồi gần Menton, một toán cướp tấn công và đoạt mất những viên kim cương và một chai chứa thứ gì đó chúng cho là món rượu mùi hảo hạng. Chúng tu ừng ực cả chai, rồi ngủ quên bên lề đường và “nhanh chóng bị bắt giữ”, tác giả Miles kể. Trong chai có chứa thứ thuốc ngủ pha thuốc phiện.

Nhiều người trong số cướp xa lộ hóa ra có quan hệ với các gia đình quý tộc ở Nice. Cho đến khi bị bắt, chúng đối phó với chính quyền địa phương bằng cách mời họ tham dự những bữa tối sang trọng sau mỗi lần phạm tội.

Một thế kỷ rưỡi sau, lúc này Riviera không còn là “bệnh viện ngoài trời” mà trở thành sân chơi của giới nhà giàu, lại có vụ trộm nguy hiểm khác xảy ra tại một nhà hàng khách sạn ở Saint-Paul-de-Vence. Người ta biết chủ nhân khách sạn chấp nhận các bức tranh thay cho tiền thanh toán — “Đúng là kiểu khách sạn dành cho tôi,” Picasso nói đùa. Năm 1960, lũ trộm đột nhập và lấy mất 21 bức tranh, trong đó có một bức Braque, một bức Léger, một bức Mirò và một bức Modigliani. (Bức tranh Picasso không để vừa vào xe.)

Mỗi phần tác giả Miles kể lại đều có thể truyền cảm hứng viết thành một cuốn sách riêng — hoặc một vở kịch, bản giao hưởng, phim hoặc tranh vẽ. Đã có nhiều tác phẩm như vậy. Một danh sách những người có tên tuổi khắp thế giới có thẩm mỹ, tài năng, ý tưởng và tham vọng đã mở ra thời kỳ hoàng kim của Riviera. Họ không chỉ đơn thuần đi nghỉ dưỡng; họ đang khai thác “dải đất Shangri-La mỏng manh” này để tạo ra nền văn hóa sẽ định hình những thế kỷ tiếp theo.

Trong quá trình ấy, họ định ra tầm cao mới của sự sang trọng. Vị Lord Brougham có sức ảnh hưởng lớn “phát hiện” ra Cannes năm 1834, bởi trận dịch tả làm gián đoạn chuyến đi đến Ý của ông. Mê đắm với khung cảnh xung quanh vùng Arcadia, ông ta cho xây dựng một tòa biệt thự. Các quý tộc nước ngoài khác cũng làm theo, và 20 năm sau, Prosper Mérimée phàn nàn “người Anh thiết lập vững chắc ở đây cứ như vùng đất bị họ đánh chiếm. Họ xây dựng tận 50 biệt thự hoặc lâu đài, cái sau hào nhoáng hơn cái trước.”

Đến thời kỳ tươi đẹp, các biệt thự xa hoa và khách sạn lớn tương tự mọc lên ở phía đông vùng Cannes, từ Nice và Beaulieu cho tới La Turbie và Cap Martin. Khi Nữ hoàng Victoria đến Menton cải trang thành "Nữ bá tước Balmoral" (vệ sĩ người Pháp của bà thừa nhận bà "không lừa nổi ai"), Nữ công tước Nga Anastasia định cư ở đó và hai nhân vật hoàng gia có sức ảnh hưởng càng làm tăng độ hấp dẫn của vùng Côte d'Azur. Người con trai phóng túng của Nữ hoàng Victoria, hoàng tử “Bertie,” vị vua tương lai Edward VII, đi trước họ, ông đam mê quần vợt, du thuyền, chơi gôn và baccarat ở Cannes, và chơi đùa với các kỹ nữ ở Monte Carlo.

Sau Thế chiến I, người Mỹ đổ bộ xây dựng cung điện của riêng họ. Nghệ sĩ triệu phú Henry Clews sáng tác ra câu chuyện cổ tích “Château de la Napoule ,” phía tây Cannes; ông trùm đường sắt Frank Jay Gould cho xây dựng nửa tá biệt thự và khách sạn, xây cả ở Nice, công trình ấn tượng mang phong cách Art Deco, Palais de la Méditerranée. Ở Antibes, Murphys bình dân thu hút nhiều nghệ sĩ và nhà văn đến Villa Americana. (Năm 1925, khi Edith Wharton mời vị khách F. Scott Fitzgerald đến uống trà tại biệt thự của bà ở Hyères, ông ấy đến trong tình trạng say khướt và hét lên, “Các người chẳng biết gì về cuộc sống cả.”)

Ngay cả câu chuyện kể này cũng bỏ qua những chuyến viếng thăm đáng nhớ của Berlioz, Gogol, Tolstoy, Nietzsche và Karl Marx — ông viết cho Friedrich Engels ghê tởm kể lại rằng Monte Carlo là “hang ổ của sự lười biếng và thích phiêu lưu”. Tóm lại: “một cái hố”.

Có giọng tiếc nuối nổi lên trong chuyến hành trình qua vùng Riviera của tác giả Miles khi ông kết lại những ngày vinh quang. Đến năm 1983, khi bộ phim James Bond “Never Say Never Again” được quay tại Victorine Studios ở Nice, tác giả Miles kể cho chúng ta biết, địa điểm huyền thoại một thời này giờ hư hại, không được ngó ngàng gì bởi tay thị trưởng khét tiếng tham nhũng Jacques Médecin vơ vét của cải vùng này hiệu quả hơn bất kỳ tên trộm mèo nào khi hắn biến thị trấn thành nơi kinh doanh và du lịch. Graham Greene, đang trú đông tại Antibes, rất phẫn nộ với sự quá đáng của tay thị trưởng đến mức cho đăng bài bài chỉ trích kịch liệt ông ta năm 1982: “ J'Accuse : The Dark Side of Nice.”

Tác giả Miles có phần bi thương khi nhớ lại sự ra đi của “vùng đất chưa được khám phá xa xôi với thế giới” mà Maupassant từng thấy trong chuyến thăm đầu tiên tới Saint-Tropez; ông nhận xét, vào mùa thấp điểm, cảnh quan cho đến ngày nay vẫn còn vẻ “nguyên sơ và nồng nàn của một thời kỳ đỡ xô bồ hơn.”

Thế nhưng, nhìn lại thì có phải các thời đại khác đỡ xô bồ hơn thời đại của chúng ta hay không? Tác giả Miles cho ta thấy vùng Riviera thể hiện khả năng bền bỉ vượt trội trong việc chống lại các cuộc xâm lược của nước ngoài, dịch bệnh, suy thoái và thế chiến.

Nhưng tác giả cho rằng cuộc khủng hoảng do quá nổi tiếng gây ra mối đe dọa tinh vi hơn. “Bờ biển đa sắc màu được dân chủ hóa” mà Agnes Varda tôn vinh trong bộ phim tài liệu “Du Côté de la Côte” năm 1958 của bà khắc họa những công dân Pháp hạnh phúc trong kỳ nghỉ hè được nhà nước chi trả, những bãi biển đông đúc bên dưới những biệt thự và lối đi dạo của những kẻ mộng mơ. “Tất cả bọn họ đang tìm kiếm điều gì thế?” người kể chuyện đặt câu hỏi.

Đọc cuốn sách này, bạn sẽ biết câu trả lời. Họ muốn chạm vào “vùng biển như tấm lụa tơ chần bông” từng khiến Katherine Mansfield mê mẩn; để nhìn thấy “ánh sáng ma thuật” từng làm choáng ngợp Claude Monet; và để trải khăn tắm của mình trên thiên đường.

ONCE UPON A TIME WORLD: The Dark and Sparkling Story of the French Riviera | By Jonathan Miles | Illustrated | 464 pp. | Pegasus | $29.95

#makevietnamreadagain, #mvra, #langdujourneyinlife,

journeyinlife.net cố gắng chuyển ngữ các bài bình sách của New York Times -- tờ báo danh tiếng hàng đầu nước Mỹ (với hơn 10 triệu độc giả trả phí hằng tháng) tới độc giả Việt Nam, các bạn có thể ủng hộ journeyinlife số tiền bằng một ly cà phê (đọc báo buổi sáng); chính sự ủng hộ/tài trợ của các bạn giúp đội ngũ journeyinlife tiếp tục có nguồn lực, động lực để phục vụ bạn đọc mỗi ngày...

ủng hộ tại đây,

Chia sẻ: