Nó lên đến đỉnh cao tuyệt đối ở trường trung học

4 11 / 2023
Đăng bởi: lovebird21c

Nó lên đến đỉnh cao tuyệt đối ở trường trung học

nguồn: New York Times,

biên dịch: Takya Đỗ,



Trong cuốn “Empire of the Sum” (“Đế chế số học”) sinh động của mình, Keith Houston điểm lại những năm tháng tốt đẹp nhất – và tồi tệ nhất – trong vòng đời của chiếc máy tính bỏ túi.

Đầu năm nay, cậu con trai 7 tuổi của tôi tha về nhà chiếc máy tính bỏ túi TI-89 có chức năng vẽ đồ thị, phiên bản mới nhất của các mẫu huyền thoại do Texas Instruments sản xuất, mà một thời từng là thiết bị phải có của mọi học sinh trung học a-ma-tơ đáng gờm về môn giải tích ở Mỹ. Nó từ đâu đến thì tôi chẳng biết.

Theo chỗ tôi biết, thằng con tôi chưa một lần rút cái thứ ấy ra khỏi hộp, chưa thoáng liếc qua cái màn hình pixel hay cái dãy gồm 50 phím dễ sợ bên dưới. Loại máy tính bỏ túi TI đó đã đánh dấu đỉnh cao nhất trong nỗ lực làm chủ khả năng tính toán của con người đến tận gần đây. (Bạn cũng có thể chơi các game như Astrosmash trên đó.) Thế nhưng chúng đang trở thành di tích trong thời đại kỹ thuật số.


Tuy vậy, tôi vẫn thấy được an ủi bởi sự hiện diện đơn thuần của cái khối chữ nhật quen thuộc đó, quá lớn để có thể đút vừa vào cái túi thông thường của một học sinh trung học và thiếu vắng mọi kỳ vọng về chủ nghĩa tối giản đương đại. Đây từng là một công cụ tôn trọng trí thông minh của người dùng. Vâng, có thể bạn đã uổng phí thời gian để chơi game Block Dude trong lúc học bài về phương trình tham số, nhưng với đa số, đây đã và vẫn là một món đồ dùng cho công việc về mọi mặt.

Là một kỳ công của khoa học kỹ thuật được hưởng lợi nhờ một chiến dịch quảng cáo xuất sắc, dòng TI đã thống trị thị trường mà nó góp phần tạo ra. Chỉ khoảng hai thập kỷ sau khi chiếc máy tính cầm tay thương mại đầu tiên xuất hiện, các mẫu TI đã ra mắt vào những năm 1990 để được hân hưởng cái mà Keith Houston gọi là “có mặt ở khắp chốn cùng nơi”. Giờ đây, chiếc TI-89 bị bỏ rơi của con trai tôi nằm trên bàn làm việc của tôi giống như vị pharaoh Ozymandias, một lời cảnh báo về những gì mà sự tiến bộ có thể tạo ra và cũng có thể mau chóng bỏ lại phía sau.

“Sống là tính đếm, và tính đếm là làm toán,” Houston viết trong cuốn “Empire of the Sum: The Rise and Reign of the Pocket Calculator” (“Đế chế số học: Máy tính bỏ túi nổi lên và thống trị”), cuốn sách cố gắng làm cho một chủ đề bí hiểm trở nên dễ hiểu đối với những người chưa bao giờ nghĩ đến những sự thấu thị của nhà toán học thế kỷ 17 John Napier về prosthaphaeresis (thuật toán nhân chia bằng công thức lượng giác). (Đây là cuốn sách nhấn mạnh đến từ “prosthaphaeresis” không chỉ một lần.) Houston có vẻ thích thú với những thách thức kiểu đó, như các văn tài viết về khoa học vẫn thường thích thế. “Shady Characters” (“Những nhân vật trong bóng tối”) – cuốn sách đầu tay của ông kể về “cuộc đời bí ẩn của dấu chấm câu” – được một người bình sách ca ngợi là “sách gợi tình dành cho những chuyên gia ngữ pháp”.

Vẫn còn phải xem liệu “Empire of the Sum” có biến lịch sử phép đếm cơ-số-10 thành một thú vui bị cấm đoán hay không. Miêu tả một chiếc máy tính bỏ túi như một “bản giao hưởng của những cuộn dây điện từ [solenoid] và bộ chuyển mạch” (là mẫu máy tính bỏ túi đời đầu đã bị loại bỏ của cái mà sau này trở thành chiếc Casio 14-A, được tung ra thị trường năm 1957 với giá 1.347 USD) có thể chẳng phải gợi tình, nhưng đó là cách viết hay – và ngày nay, cách viết này khá hiếm.

Câu chuyện về chiếc máy tính bỏ túi này là câu chuyện về sự cách tân và sự lỗi thời, về bàn tính nhường chỗ cho thước loga hồi thế kỷ 17; các thiết bị cơ khí như máy đếm* nhường chỗ cho các thiết bị điện tử như Sumlock ANITA, được cung cấp năng lượng bởi 177 ống tia âm cực. Với vô số những kẻ đột phá kiểu Thung lũng Silicon, thay vì những cuộc tranh cãi gay gắt trên truyền thông xã hội, Houston mang đến cho chúng ta cuộc tranh luận thời Trung cổ giữa những người sử dụng thuật toán và những người sử dụng bàn tính về việc nên dùng chữ số La Mã hay chữ số Ả Rập.

Chiếc máy tính cơ học đầu tiên dành cho đại chúng sử dụng được thiết kế bởi Curt Herzstark, một người Áo có nửa dòng máu Do Thái có thời từng sống trong trại tập trung Buchenwald. Chiếc máy tính Curta phát minh của ông trông giống như một chiếc máy xay thịt kiểu dáng cực đẹp: “một quả lựu đạn toán học”, sau này tiểu thuyết gia William Gibson gọi nó như vậy. Là một kiệt tác thiết kế giữa thế kỷ này, Curta vẫn được các nhà sưu tầm đánh giá rất cao.

Câu chuyện mà Houston kể đầy những người lập dị, nhiều người trong số đó là xuất chúng, một số trong số đó là xuất chúng và không thể chịu đựng nổi. Suýt nữa thì tôi đã đọc cả một cuốn sách về cuộc thi tính toán năm 1946 giữa chàng binh nhì Tom Wood, người sử dụng máy tính, và Kiyoshi Matsuzake biệt danh “Cao thủ”, người sử dụng chiếc bàn tính Nhật Bản được gọi là soroban (nếu ông đang đọc bài viết này, Christopher Nolan: Hãy cùng luận đàm). Tôi không hề biết rằng chính khái niệm về thuật toán này lại xuất phát từ học giả người Ả Rập al-Khwarizmi ở thế kỷ 9, rằng có hai thước loga trên chiếc máy bay ném bom Enola Gay khi nó bay tới Hiroshima. Buzz Aldrin cũng mang theo một thước loga trên con tàu vũ trụ Apollo 11; nó được bán đấu giá với giá 77.675 USD.

Có những đoạn hóc búa trong cuốn “Empire of the Sum”. Rốt cuộc, đây là một cuốn sách về toán học. Ở mức độ nào đó, bạn chỉ cần chấp nhận thực tế rằng một số thứ mà Houston đề cập đến – về Boolean logic hoặc cấp số nhân – có thể vượt quá tầm hiểu biết của bạn. Thế nhưng tôi đâu có đọc để tinh thông mọi thứ, mà đúng hơn là để học hỏi thôi.

Tôi những mong thỉnh thoảng Houston lên đến một tầm cao hơn, bỏ lại đằng sau những tiểu tiết về sự cách tân máy tính để đặt câu hỏi toàn bộ sự cách tân đó nhằm mục đích gì. Quá trình tiến bộ công nghệ có những mặt tiêu cực mà chúng ta bắt đầu nhận ra rõ ràng hơn bao giờ hết; hành trình của chiếc máy tính bỏ túi làm dấy lên nhiều mối lo ngại trong số những mối lo ngại đó.

Thậm chí là trước khi xuất hiện những chương trình trí tuệ nhân tạo như ChatGPT, những chương trình được cho là sẽ cởi bó cái gánh nặng tư duy toán học một lần là mãi mãi, chiếc máy tính bỏ túi đã phải chào thua một công nghệ mà nó giúp đi tiên phong: máy tính. “Mọi người sẽ quay sang sử dụng hệ thống nào thường xuyên nhất để cân bằng sổ séc của mình hoặc tính toán quỹ đạo của một quả tên lửa? Chỉ có thời gian mới trả lời được,” tờ báo này tự đặt câu hỏi cho mình hồi năm 1997, khi doanh số máy tính bỏ túi đã giảm từ mức kỷ lục 61,6 triệu chiếc bán ra vào năm 1989.

Ngày nay, dịch vụ Matheo Pro hứa hẹn giải quyết bất kỳ bài toán nào, ”vào mọi lúc”: Tất cả những gì bạn phải làm là chụp màn hình bài tập đại số hoặc câu hỏi kỹ thuật của bạn và gửi nó đi. “Hãy tưởng tượng bạn có nhiều thời gian rảnh rỗi hơn để làm những gì bạn yêu thích,” bản quảng cáo cho nó viết. “Hãy để bài tập toán của bạn cho các chuyên gia của chúng tôi.” Hàm ý rõ ràng ở đây là chẳng có người nào đầu óc lành mạnh lại có thể yêu toán học đến mức hy sinh thời gian rảnh rỗi vì nó. Máy tính bỏ túi cũng được cho là có thể làm giảm bớt sự tẻ nhạt; máy tính đúng là giỏi hơn về việc đó – dẫu rằng chúng đã tạo ra vô khối sự tẻ nhạt của riêng chúng.

Thỉnh thoảng, cậu con trai út của tôi – đứa em trai mới lẫm chẫm biết đi của chủ nhân cái máy tính bỏ túi đó – muốn thử vận may với TI-89, bấm những nút trên đó và sau đó chờ đợi ánh sáng rực rỡ kiểu màn hình điện thoại thông minh hiện lên, song vô vọng. Bộ vi xử lý của máy tính có thể vẽ đồ thị hàm logarit, và cũng có những niềm vui khiêm tốn của game Astrosmash như đã nói ở trên – song các video hoạt hình Cocomelon nằm ngoài phạm vi chức năng của nó. Và vì thế rút lại nó chỉ còn là cái vỏ nhựa chẳng mấy hấp dẫn.

Người xưa đánh vật với câu hỏi liệu chúng ta có luôn được hưởng lợi khi làm cho công việc trở nên dễ dàng hơn đối với chính bản thân chúng ta hay không. “Các nhà toán học giỏi không cần dùng đến que tính,” triết gia Trung Quốc là Lão Tử tuyên bố như vậy khoảng 2.500 năm về trước. Không, ngày nay thì không thế. Họ chỉ hỏi ChatGPT.

* Đến năm 1820, máy đếm còn gọi là máy cộng dồn tích (Arithmometer hoặc Arithmomètre) được phát minh bởi nhà phát minh người Pháp Thomas de Colmar (1785-1870). Đây là chiếc máy tính cơ đầu tiên đủ mạnh và độ tin cậy để sử dụng trong công việc hằng ngày tại các văn phòng. Thiết bị được cấp bằng sáng chế năm 1820 và sản xuất thương mại từ năm 1851. Arithmometer có thể thực hiện được chuỗi các phép cộng và trừ một cách trực tiếp, thực hiện phép nhân số lớn và cho ra kết quả được dồn tích và ghi trên một dải ruy băng.

EMPIRE OF THE SUM: The Rise and Reign of the Pocket Calculator | By Keith Houston | Illustrated | 373 pp. | W.W. Norton & Company | $32.50

#makevietnamreadagain, #mvra, #langdujourneyinlife,

journeyinlife.net cố gắng chuyển ngữ các bài bình sách của New York Times -- tờ báo danh tiếng hàng đầu nước Mỹ (với hơn 10 triệu độc giả trả phí hằng tháng) tới độc giả Việt Nam, các bạn có thể ủng hộ journeyinlife số tiền bằng một ly cà phê (đọc báo buổi sáng); chính sự ủng hộ/tài trợ của các bạn giúp đội ngũ journeyinlife tiếp tục có nguồn lực, động lực để phục vụ bạn đọc mỗi ngày...

ủng hộ tại đây,

Chia sẻ: