'Nước Đức năm 1923': Khi nền dân chủ ngăn chặn chủ nghĩa phát xít

14 10 / 2023
Đăng bởi: lovebird21c

'Nước Đức năm 1923': Khi nền dân chủ ngăn chặn chủ nghĩa phát xít

nguồn: New York Times,

biên dịch: Quỳnh Anh,


Trong cuốn sách mới nhất, nhà sử học người Đức Volker Ullrich mô tả một đất nước bị vùi dập bởi nghèo đói, siêu lạm phát và chủ nghĩa cực đoan chính trị, nhưng — trong một khoảng thời gian — ngăn chặn được sự trỗi dậy của Hitler.

Cuộc nổi dậy thất bại. Chế độ chính trị ngăn được— ít nhất là trong một khoảng thời gian. Tháng 11 năm 1923, khi ấy kẻ mị dân trẻ tuổi có tên Adolf Hitler cố gắng khởi động cách mạng Đức Quốc xã từ một quán bia ở Munich, nỗ lực đảo chính của ông ta vô tổ chức đến độ nhanh chóng biến thành hỗn loạn tai hại. Một người tham gia về sau kể lại hoạt động này là trò hề đến mức anh ta thì thầm với những người khác là, “Hãy cứ chơi cùng vở hài kịch này đi.”

Thay vì chiếm được quyền kiểm soát, Hitler lại bị trật khớp vai và phải ngồi tù một thời gian ngắn. Nhưng trong cuốn “Germany 1923”, nhà sử học Volker Ullrich nhắc nhở chúng ta những diễn biến lộn xộn trong sự kiện gọi là Đảo chính quán bia “cực kỳ nghiêm trọng.” Một thập kỷ sau, Hitler được bổ nhiệm làm thủ tướng Đức, và Cộng hòa Weimar — nền dân chủ thử nghiệm đầu tiên của đất nước — sẽ chấm dứt. Tháng 11 năm 1933, bài báo trên tờ The Times mô tả cuộc tụ họp ăn mừng của Đức Quốc xã: “Các nhà lãnh đạo hân hoan ở Munich trước sự hồi sinh của Phong trào 'bị giết' ở đó 10 năm trước — Vui mừng vì Steins."

Ullrich là tác giả của cuốn tiểu sử hai tập xuất sắc viết về Hitler. Trong cuốn “Eight Days in May” (‘Tám ngày tháng 5’, xuất bản năm 2021), tác giả viết về khoảng thời gian một tuần giữa thời điểm Hitler tự sát và Đức đầu hàng vô điều kiện. “Germany 1923,” được Jefferson Chase dịch sang tiếng Anh rõ ràng súc tích, kể lại một “năm then chốt” bắt đầu trong khủng hoảng và kết thúc, bất chấp mọi khó khăn, ở mức độ ổn định. Như nhà sử học Mark William Jones viết trong “1923”, cuốn sách kỷ niệm trăm năm khác được xuất bản mùa hè này, thì một trăm năm trước “dân chủ đã chiến thắng.”

Đó là một năm bắt đầu không mấy suôn sẻ, với sự kiện Pháp và Bỉ tiến vào khu vực công nghiệp Thung lũng Ruhr của Đức sau khi Đức không trả được tiền bồi thường chiến tranh cho Thế chiến I. Tình trạng chiếm đóng này khơi dậy khoảnh khắc hòa hợp giữa cánh tả và cánh hữu, từng có nhà công nghiệp nhận xét “Tất cả đang bắt đầu đoàn kết với nhau trong nỗi đau khổ và căm hờn chung.” Nhưng “làn sóng đoàn kết của người Đức” ấy chỉ tồn tại trong thời gian ngắn ngủi. Thủ tướng Đức vào thời điểm đó đáp lại sự chiếm đóng bằng chính sách “phản kháng thụ động”, khuyến khích người Đức ở Thung lũng Ruhr không làm việc và in thêm tiền để trả lương cho họ khi các doanh nghiệp đóng cửa.

Nước Đức trước đó đã in tiền để trang trải cho cuộc thế chiến nước này không thể giành chiến thắng. Nhưng năm 1923 là thời điểm siêu lạm phát dường như cực kỳ nghiêm trọng khó kiểm soát. Tác giả Ullrich tận dụng có chủ đích ghi chép nhật ký của nhiều người để truyền tải những trải nghiệm đầy hoang mang của nhân dân khi giá cả tăng không phải theo ngày mà theo từng giờ. “Vấn đề tiền tệ ngày càng đen tối và không thể hiểu nổi,” nhà ngữ văn học và chuyên viết nhật ký Victor Klemperer viết vào tháng 2 năm 1923, trong tháng ấy tỷ giá hối đoái đạt mức kinh ngạc là 42.240 mác đổi một đô la. Đến tháng 6, con số này tăng gần gấp ba lần lên tới 114.250. Với mỗi số 0 thêm vào, một rào chắn tâm lý lại đổ vỡ. “Đồng mác đột ngột lao dốc,” nhà văn Stefan Zweig sau này nhớ lại, “không dừng lại cho đến khi đạt tới những con số điên rồ đến độ kinh ngạc, hàng triệu, hàng tỷ và hàng nghìn tỷ.”


Ullrich cho thấy những tác động tâm lý và chính trị của siêu lạm phát cực kỳ sâu sắc. Thực tại dường như đang sụp đổ. Thống khổ ngày càng sâu sắc, đi cùng với bất bình đẳng. Các nhà công nghiệp và những người có khả năng tiếp cận ngoại tệ trở nên giàu có hơn, trong khi tầng lớp trung lưu phải cầm đồ gia truyền để đổi lấy thực phẩm. Người Đức quay lưng lại với nhau. Thuyết âm mưu ngày càng lan rộng. Người nước ngoài và người Do Thái trở thành mục tiêu. Những người già phải sống bằng tiền trợ cấp vô giá trị phẫn nộ với giới trẻ; ngược lại, người trẻ tức giận với người già vì sở hữu những ngôi nhà được mua khi giá trị của đồng tiền ổn định đủ lâu để có thể tiết kiệm mua được.

Ở cấp độ liên bang, bộ máy chính trị của Đức vật lộn gắn kết cả đất nước, trong khi các phong trào cấp tiến ở nhiều bang khác nhau của Đức đã tập hợp lực lượng. Chính trị gia theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan Gustav Ritter von Kahr nắm quyền lực độc tài ở Bavaria, có đường lối cứng rắn chống lại cánh tả và trục xuất các gia đình Do Thái khỏi Munich. Trong khi đó, Liên Xô hy vọng các chính phủ cánh tả ở Saxony và Thuringia có thể giúp thúc đẩy cách mạng vô sản. Nhưng Reichswehr, lực lượng vũ trang của Đức, không đáp lại những phong trào nổi dậy này giống nhau. Tác giả Ullrich viết, họ đàn áp cánh tả ở Saxony và Thuringia với “mức độ tàn bạo nghiêm trọng”, “trong khi phớt lờ những hành động khiêu khích liên tục” từ cánh hữu của Bavaria.

Ullrich có thể đào sâu đến tiết nhỏ những tranh cãi chính trị đến nỗi độc giả không thông thạo về các đảng phái của Weimar và các phe phái chia cắt từ đó có thể khó theo dõi. Tác giả tuyên bố thẳng thừng mặc dù chính phủ quốc gia nhận được hàng loạt “báo cáo đáng báo động” về phe cực hữu ở Bavaria, “tin tức về cuộc đảo chính của Hitler vẫn có phần khiến họ bất ngờ.” Tuy nhiên, sự kiện này lộn xộn đến nỗi Cộng hòa Weimar thắng thế. Chính phủ cũng phát hành loại tiền tệ mới — Rentenmark, mỗi đồng tiền này trị giá một nghìn tỷ mác — và công bố tỷ giá hối đoái cố định ở mức 4,2 nghìn tỷ mác đổi một đô la.

Để đồng tiền mới có hiệu lực, đòi hỏi phải có niềm tin vào tính ổn định của đồng tiền, điều này suýt bị phá hủy hoàn toàn một năm trước. Tuy nhiên, niềm tin vào Rentenmarks đã có hiệu quả. “Khi đưa ra đề nghị dùng tiền mới thanh toán lần đầu tiên, bạn hồi hộp chờ xem điều gì sẽ xảy ra”, nhà sử học Sebastian Haffner nhớ lại. “Tiền thực sự đã được chấp nhận và bạn nhận được hàng hóa của mình — hàng hóa trị giá một tỷ mác. Điều này lặp lại ngày hôm sau và ngày sau nữa. Thật kinh ngạc."

Sự ổn định ấy mang lại một thời kỳ hoàng kim ở Weimar, duy trì giai đoạn hưng thịnh về văn hóa và thử nghiệm nghệ thuật đã manh nha từ trước đó. Xem xét bước ngoặt mà nước Đức sẽ trải qua một thập kỷ sau đó, những tia hy vọng le lói cuối năm 1923 giờ đây trở thành những mảnh vỡ nhọn hoắt — đó chỉ là khoảng thời gian tạm hoãn án tử thay vì kết thúc có hậu. Khi Hitler và những kẻ chủ mưu đảo chính khác bị đưa ra xét xử, hắn sử dụng phòng xử án để bày tỏ nỗi phẫn nộ và chỉ trích Cộng hòa Weimar. Trong tù, hắn trải qua “vài tháng khá thoải mái” dành thời gian viết cuốn “Mein Kampf”. Hắn cũng ngộ ra điều gì đó từ cuộc nổi dậy thất bại của mình. Tác giả Ullrich giải thích: “Nếu muốn nắm quyền, ông ta cần phải đi theo con đường khác: không phải con đường đảo chính mà là con đường bề ngoài hợp pháp phối hợp với giới tinh hoa bảo thủ của kinh tế, quân sự, và hành chính.”

Năm 1923, Cộng hòa Weimar có thể đã cho thấy “tính bền bỉ đến lạ lùng”, nhưng một thập kỷ sau, tình thế thay đổi. Giới lãnh đạo chính trị quốc gia không còn cảm thấy có nghĩa vụ phải bảo vệ nền dân chủ. Những người bảo thủ tin rằng có thể mời Hitler vào liên minh cầm quyền của họ và từ đó thu được lợi ích. Chủ nghĩa cơ hội như vậy quả thật muôn phần mỉa mai — và ngây thơ đến tột độ. Như tác giả Ullrich viết ở cuối cuốn sách, “Ý định cho rằng họ có thể khai thác thủ lĩnh Đức Quốc xã vì lợi ích phản động của chính họ và kiểm soát động lực hành động của ông ta hóa ra là một ảo tưởng đầy bi thảm.”

GERMANY 1923: Hyperinflation, Hitler’s Putsch, and Democracy in Crisis | By Volker Ullrich | Translated by Jefferson Chase | Illustrated | 432 pp. | Liveright | $35

#makevietnamreadagain, #mvra, #langdujourneyinlife,

Chia sẻ: