nguồn: New York Times,
biên dịch: Takya Đỗ,
Trong cuốn “Chaos Kings” (“Những ông vua thời hỗn loạn”), Scott Patterson tóm lược tiểu sử các nhà tài chính xây dựng danh mục đầu tư dựa trên những khoản lỗ hằng ngày, và – khi thảm họa xảy đến – gặt hái những khoản lãi khủng.
Đa phần mọi người đều biết có những người dường như cảm thấy thích thú một cách tai quái khi tưởng tượng ra những tình huống xấu nhất. Trong cuộc sống, đây thường là chiến thuật đối phó được tạo ra để xoa dịu những cú choáng váng vì thất vọng. Trên thị trường, đó là một cách để kiếm hàng tỷ đô la.
Nhưng biến sự lo lắng của thị trường thành lợi ích cá nhân một cách ngoạn mục – bằng cách bán khống cổ phiếu đề phòng trường hợp nền kinh tế chao đảo – có thể là một chiến lược đáng ghê tởm, và chẳng phải chỉ vì nó có nghĩa là thu lợi từ những thảm họa như Ngày 11/9 và đại dịch Covid. Theo quan điểm của Nassim Taleb, nguyên là nhà giao dịch chứng khoán phái sinh và là tác giả của thuyết “Black Swan” (“Thiên nga đen”), việc đặt cược vào thảm họa đòi hỏi phải chấp nhận thực tế là chúng ta không bao giờ biết được khi nào nó sẽ ập đến. Mặc dù điều này nghe có vẻ như một chân lý hiển nhiên chả có gì là thú vị, song nó hầu như đối nghịch với sự thông thái truyền thống ở Phố Wall, sự thông thái vẫn luôn cho rằng với những mô hình thống kê phù hợp, hầu như mọi kết quả đều có thể định lượng được. Giải pháp thay thế đáng sợ sẽ là thừa nhận rằng sự hỗn loạn đang ngự trị.
Dĩ nhiên, đó là sự hỗn loạn mà nhờ vào đó Taleb tận hưởng thành công. Ông ta không biết mình là nhân vật chính trong cuốn sách “Chaos Kings” của Scott Patterson phóng viên tờ The Wall Street Journal, biên niên sử được quan sát chặt chẽ về những kẻ săn-bão chúa hay khoe mẽ trong làng tài chính và những nhà phê bình họ thường đụng độ.
Tấn kịch này mở màn trên những giảng đường, trong những phòng hội nghị và trên những sàn giao dịch, những nơi cố nhiên là phù hợp với kịch tính. Trong màn mở đầu, chàng Taleb trẻ tuổi thấy “đôi bàn tay núc ních” của một giao dịch viên nóng nảy trên sàn chứng khoán quấn quanh cổ anh ta. Những người đàn ông hợp thành dàn diễn viên cho màn này đều táo bạo và lập dị. Họ lái mô-tô với “tốc độ tự sát”, và thuê những võ sư kung fu để học tán thủ [qinna], kỹ thuật võ thuật phức tạp nhằm tiêu hao năng lực thể chất của đối thủ. Và họ học cách yêu thích việc thua lỗ mỗi ngày, để sau này họ có thể thắng lớn.
Thậm chí là những người không quen thuộc với hoặc không quan tâm đến sự dao động của thị trường chứng khoán cũng có thể thấy mình bị câu chuyện của Patterson hấp dẫn, câu chuyện quay trở lại những thời điểm then chốt như Thứ Hai Đen tối năm 1987, cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 và vụ flash clash năm 2010, và cũng là câu chuyện đã cố gắng một cách đầy tham vọng – tuy không phải lúc nào cũng thành công – kết nối các sự kiện này vào một chuỗi duy nhất cho đến ngày hôm nay.
Giới mà Patterson miêu tả chủ yếu được chia thành hai phe: các nhà đầu tư tán thành triết thuyết “Thiên nga đen” của Taleb về thị trường tài chính dễ bị tổn thương trước những cú sốc không lường trước được, và những nhà đầu tư bị thuyết phục hơn bởi triết thuyết “Dragon Kings” (“Những vị Long vương”) của nhà nghiên cứu người Pháp Didier Sornette, về những sự kiện bất quy tắc nhưng phần nào có thể lường trước được. Là người kiên định tin tưởng vào “những khả năng có thể dự đoán được cụ thể”, Sornette nhận thấy triết thuyết của Taleb và cộng sự của ông là Mark Spitznagel có phần quá phi khoa học. “Những chuyên gia phân tích và quản lý dữ liệu định lượng”, tức là những kỹ sư tài chính tin tưởng vào các công thức phức tạp nói cho họ biết tương lai chứa đựng những gì – và cũng là những nhân vật trung tâm trong cuốn sách khác của Patterson – là những kẻ làm nền cực đoan cho cả hai nhóm.
“Khái niệm Thiên nga đen rất nguy hiểm,” Sornette nói với Patterson. “Nó đưa chúng ta trở lại thời kỳ tiền khoa học, khi cơn thịnh nộ của thiên nhiên, sấm sét, bão tố biểu lộ cơn giận giữ của các vị thần.”
Patterson không ra mặt nói với chúng ta nên nghĩ gì về những phe phái này: Trước hết, ông chỉ ra cho chúng ta thấy những mưu đồ của họ vận hành ra sao. Song hiếm khi độc giả thấy những ông vua thời hỗn loạn của ông phạm sai lầm, và khi tác giả xâu chuỗi thêm những vấn đề đương đại hơn như khủng hoảng khí hậu, tiền mã hóa và chiến tranh ở Ukraine, chúng ta thấy những ý đồ của họ chỉ càng lên cao. Mặc dù những phần cuối này có xu hướng cho cảm giác gấp gáp hơn – với những đề cập loáng thoáng, chẳng hạn như cuộc tấn công vào Điện Capitol Ngày 6/1, vụ sát hại George Floyd và đại dịch rải rác suốt vài chương cuối – trong những sự kiện có tính thời sự như vậy, người đọc cũng có thể phát hiện ra cái ẩn ý tán thành triết thuyết “Thiên nga đen” của Taleb.
Có lẽ những gì được thể hiện mạnh mẽ nhất là có bao nhiêu lý thuyết về cách thức thị trường tài chính hoạt động. Patterson trích dẫn một trong những câu thường được trích dẫn nhiều nhất của Joan Didion là “Chúng ta tự kể chuyện cho mình để sống” để giải thích việc người đọc có khả năng phản đối những ảo tưởng về sự hỗn loạn của Taleb. Ông viết: “Bộ não con người khao khát trật tự”. Song nếu đúng là chúng ta đang sống trong “thời buổi chưa từng có tiền lệ”, hiển nhiên là bộ não con người đôi khi có thể phấn khích cao độ với việc dấn mình vào trạng thái hồi hộp, ngạc nhiên và không thể đoán trước – ít nhất là khi chọn một cuốn sách.
CHAOS KINGS: How Wall Street Traders Make Billions in the New Age of Crisis | 322 pp. | Scribner | $30
#makevietnamreadagain, #mvra, #langdujourneyinlife,
journeyinlife.net cố gắng chuyển ngữ các bài bình sách của New York Times -- tờ báo danh tiếng hàng đầu nước Mỹ (với hơn 10 triệu độc giả trả phí hằng tháng) tới độc giả Việt Nam, các bạn có thể ủng hộ journeyinlife số tiền bằng một ly cà phê (đọc báo buổi sáng); chính sự ủng hộ/tài trợ của các bạn giúp đội ngũ journeyinlife tiếp tục có nguồn lực, động lực để phục vụ bạn đọc mỗi ngày...
ủng hộ tại đây,
Bài trước: Bói lá trà xem cái kết cuộc chiến ở Ukraine
Chia sẻ: