Trên TV những loại nấm sát thủ là một kịch bản phim kinh dị. Trong cuốn sách này chúng có thật.

24 10 / 2023
Đăng bởi: lovebird21c

Trên TV những loại nấm sát thủ là một kịch bản phim kinh dị. Trong cuốn sách này chúng có thật.

nguồn: New York Times,

biên dịch: Takya Đỗ,


Cuốn “Blight” (“Lụi tàn”) của tác giả Emily Monosson ghi chép lại những mối đe dọa mà mầm bệnh nấm gây ra cho con người và động thực vật như những tác nhân gây bệnh khốc hại nhất thế giới.

Trong cuốn tiểu thuyết “White Noise” (“Tiếng ồn trắng”) của Don DeLillo có một cảnh, trong đó nhân vật chính nhớ về người vợ cũ, mà theo lời của chính người vợ này thì cô “cực kỳ mẫn cảm với nhiều thứ”. Anh ta kể: “Ánh sáng mặt trời, không khí, thức ăn, nước uống, tình dục”. Cô ấy đánh đồng hết thảy: "Có khả năng gây ung thư, tất cả những thứ đó."

Sự sống có thể là thứ gây chết chóc – Tôi thấy mình rơi dần vào trạng thái kiểu hoang tưởng bủa vây bốn phía này khi đọc cuốn sách mới khiến người ta lo lắng của Emily Monosson, “Blight: Fungi and the Coming Pandemia” (“Lụi tàn: Nấm và Đại dịch sắp tới”). Nấm có ở khắp mọi nơi và hiện đang ở thời kỳ cực thịnh, với những bộ phim tài liệu như “Fantastic Fungi” (“Những loại nấm kỳ diệu”, trình chiếu năm 2019) của Louie Schwartzberg và những cuốn sách như “Entangled Life” (“Sự sống phức rối”, ra mắt năm 2020) của Merlin Sheldrake cho chúng ta biết về tất cả những gì hữu ích mà nấm có thể làm – mở rộng nhận thức của chúng ta, dọn sạch dầu tràn, giúp cây chia sẻ chất dinh dưỡng dưới tầng đất rừng.

Cuốn sách của Monosson luận bàn đến mặt trái của nấm. Giống như “The Last of Us” (“Những người cuối cùng còn lại trong số chúng ta”), trò chơi điện tử đồng thời là bộ phim truyền hình dài tập của HBO dựa trên giả thuyết một đại dịch nấm biến con người thành những xác sống, cuốn “Blight” nhấn mạnh những điều vô cùng tai hại mà nấm có thể làm: “Nhìn chung, các loại nấm truyền nhiễm và các mầm bệnh dạng nấm là những tác nhân gây bệnh khốc hại nhất mà ai cũng biết trên hành tinh này.”

Bà mở đầu cuốn sách của mình với Candida auris, loại nấm phát triển mạnh trong vài năm gần đây, len lỏi khắp các bệnh viện và lây nhiễm cho những bệnh nhân có hệ thống miễn dịch đã bị suy yếu bởi các bệnh khác. Các bệnh nhiễm nấm ngoài da thường không nguy hiểm đến tính mạng; nguy hiểm là khi nấm xâm nhập vào máu thì chúng có thể gây chết người. Là loại động vật máu nóng, con người và các động vật có vú khác được ban cho một mức độ bảo vệ nhất định: Hầu hết loại nấm thích nhiệt độ thấp hơn; chúng ta lại tỏa thân nhiệt quá cao trong quá trình hoạt động.

Song sự nóng lên toàn cầu và những tiến bộ y tế đang làm tình hình thay đổi, Monosson cho biết. Một số loại nấm có thể đang tiến hóa để chịu được nhiệt độ cao hơn; bà giải thích cách bệnh nấm sâu Coccidioidomycosis [valley fever], do bào tử nấm trong đất ở miền Tây Nam [nước Mỹ] gây ra, có nhiều khả năng lây lan rộng hơn khi khí hậu thay đổi. Tuy việc cấy ghép nội tạng và điều trị ung thư đang cứu sống nhiều người, nhưng đồng thời cũng đang tạo ra một nhóm dân số bị suy giảm miễn dịch ngày càng tăng. Monosson viết: “Chúng ta đang sống thọ hơn và khỏe hơn nhưng ngày càng dễ bị nấm xâm nhiễm hơn”. Và bởi vì các tế bào nấm có một số điểm tương đồng về cấu trúc với tế bào của chúng ta nên rất khó để phát triển các loại thuốc nhằm tiêu diệt chúng mà không gây hại cho chúng ta. Amphotericin, loại thuốc kháng nấm ra mắt năm 1959, có tác dụng phụ khủng khiếp và có khả năng gây tử vong đến mức bác sĩ gọi nó là “Ampho tai hại”.


Nạn dịch nấm ở người không phải là mối quan tâm chính của cuốn sách này, dù chắc chắn nó chính là điều khiến độc giả chú ý. Động vật lưỡng cư, với thân nhiệt phụ thuộc vào môi trường bên ngoài, rất dễ bị nhiễm nấm; Monosson thuật lại vụ sụt giảm nghiêm trọng quần thể ếch đã bắt đầu thu hút sự chú ý cuối những năm 1980, với chi tiết một nhà nghiên cứu nhớ lại cách chị chộp được một con ếch chỉ để thấy nó chết trong tay mình. (Nhà nghiên cứu này, cùng viết với một nhóm các nhà khoa học khác, sau đó mô tả cái chết hàng loạt này là “sự tổn thất đa dạng sinh học lớn nhất được ghi nhận do một mầm bệnh gây ra”.) Buôn bán động vật hoang dã là nguồn lây đặc biệt nguy hiểm, vì không giống như vật nuôi được các chính phủ kiểm nghiệm do sợ lây nhiễm sang nguồn cung cấp thực phẩm, hầu hết những loại thú cưng từ nước ngoài đưa vào đều không bị sàng lọc hoặc giám sát nghiêm ngặt, tạo ra điều mà Monosson gọi là tình trạng “tự tung tự tác của mầm bệnh nấm”.

Các bào tử nấm nhỏ li ti và hiện diện khắp nơi nơi đến đỗi Monosson, chuyên gia về chất độc được đào tạo bài bản, tưởng tượng cảnh một con dơi lướt cánh qua mặt đất của hang động làm sao lại có thể nhiễm loại bào tử mà rốt cuộc sẽ giết chết nó. Một số quần thể dơi ở Bắc Mỹ đã giảm tới 90% vì hội chứng mũi trắng, do loại nấm ăn chất sừng trên da con dơi gây ra. Dơi có xu hướng tỏa thân nhiệt cao, giống như chúng ta – ngoại trừ vào mùa đông khi thức ăn khan hiếm và chúng bảo toàn năng lượng bằng cách chìm vào trạng thái ngủ đông khiến hệ thống miễn dịch và nhiệt độ cơ thể cùng giảm. Điều này tạo cơ hội cho Pseudogymnoascus destans, loại nấm được gọi tắt là Pd, bắt đầu hoạt động.

Những gì diễn ra sau đó trong giấc ngủ đông của dơi, hay nơi trú đông, chẳng khác gì cảnh phim kinh dị: những đôi cánh dơi phủ đầy tổn thương đến mức trông chúng giống như một “chiếc áo bị mối xông” và các loại nấm khác đang ăn những con “đã chết hoặc sắp chết”. Cũng như bất kỳ kịch bản tận thế đáng tin cậy nào, Monosson phỏng đoán, kịch bản này có thể đã mở đầu một cách khá vô tội – có lẽ với một bào tử nấm Pd chu du từ châu Âu qua Đại Tây Dương trong một nhúm đất bùn hoặc trên áo quần của ai đó.

Song như cái tựa đề “Blight” gợi ý, nạn nhân chính trong cuốn sách này là thực vật và cây cối. Cây dẻ châu Mỹ, từng có ưu thế vượt trội ở Bắc Mỹ, đã bị tàn phá bởi bệnh tàn lụi vào những năm đầu thế kỷ 20. Khoảng ba đến bốn tỷ cây hạt dẻ đã chết trong vòng vài thập kỷ – chẳng nghi ngờ gì nữa, đây là một trải nghiệm “đáng sợ” – Monosson cho biết trong lúc thuật lại thời điểm trước khi Quốc hội thông qua Đạo luật Kiểm dịch Thực vật năm 1912, khi “sự mới lạ được quan tâm nhiều hơn là những loại bệnh mà một loài thực vật mới có thể mang đến”. Và vì con người chúng ta có tiếng là luôn bận tâm lo lắng xem một mối đe dọa có thể có ý nghĩa thế nào đối với chúng ta, nên Monosson đã lưu tâm giải thích cách bệnh tàn lụi vì nấm có thể tàn phá nguồn cung cấp thực phẩm như thế nào. (Chẳng dễ chịu gì hơn khi biết rằng sự khan hiếm khoai tây ở Ireland không phải do nấm mà do nấm sợi sống trong nước gây ra.)

Tuy vậy, chúng ta không nên tuyệt vọng, Monosson viết thế: phân nửa cuốn sách của bà được dành cho điều mà bà gọi là “giải pháp”. Nấm tiến hóa, nhưng thực vật và động vật cũng vậy. Một nghiên cứu gần đây về “dơi béo” cho thấy những con dơi tăng trọng thêm vài gram trước mùa đông có khả năng sống sót cao hơn khi bị nhiễm nấm. Monosson mô tả cách một số loài cây đã tiến hóa về gien cho phép chúng phản ứng với bào tử nấm bằng “cái chết của tế bào bảo vệ”, về cơ bản là bỏ đói bào tử nấm trên phần cây nơi nó tiếp đất để nấm không thể lan xa. Thế nhưng cũng phải mất nhiều thập kỷ để cây cối trưởng thành và sinh sản hầu truyền lại những gen bảo vệ đó, có nghĩa là một loài “nấm sát thủ phát triển nhanh” có thể tiến nhanh hơn “vòng đời của cây”.

Đây chính là nơi con người tham gia vào. Một số biện pháp can thiệp của chúng ta đã vô tình gây hại; mối đe dọa nấm bệnh được đẩy nhanh hơn bởi thuốc diệt nấm nông nghiệp, loại thuốc thúc đẩy nấm – bao gồm cả những loại có thể lây nhiễm cho người bị suy giảm miễn dịch – phát triển khả năng kháng thuốc. Song sự thông minh tài trí của con người cũng có thể hữu ích. Monosson, tác giả của những cuốn sách gồm cả cuốn “Unnatural Selection: How We Are Changing Life, Gene by Gene” (“Chọn lọc phi tự nhiên: Chúng ta thay đổi cuộc sống, từng loại gien một, như thế nào”), cho rằng việc cố ý nhân giống thực vật để kháng bệnh tàn lụi là một phương pháp cũ vẫn có thể tiếp tục hữu ích cho chúng ta. Tuy vậy, bà nói thêm, những tiến bộ trong công nghệ sinh học đã mở ra thêm nhiều khả năng.

Song vòng đời của cây vẫn là vòng đời của cây. Tôi rất xúc động khi đọc về Charles Burnham, nhà di truyền học hưu trí phát triển kế hoạch 30 năm để nhân giống cây dẻ kháng bệnh tàn lụi. Ông qua đời năm 1995 khi 91 tuổi, hơn một thập kỷ trước khi qua đời ông giúp thành lập American Chestnut Foundation (Quỹ Cây dẻ châu Mỹ) để thực hiện kế hoạch của mình. Đây là chủ nghĩa thực dụng phụng sự cho hy vọng: “Burnham biết ông sẽ không còn sống để tiếp tục theo đuổi kế hoạch này cho đến khi nó hoàn thành.”

BLIGHT: Fungi and the Coming Pandemic | By Emily Monosson | Illustrated | 253 pp. | W.W. Norton & Company | $28.95

#makevietnamreadagain, #mvra, #langdujourneyinlife,

journeyinlife.net cố gắng chuyển ngữ các bài bình sách của New York Times -- tờ báo danh tiếng hàng đầu nước Mỹ (với hơn 10 triệu độc giả trả phí hằng tháng) tới độc giả Việt Nam, các bạn có thể ủng hộ journeyinlife số tiền bằng một ly cà phê (đọc báo buổi sáng); chính sự ủng hộ/tài trợ của các bạn giúp đội ngũ journeyinlife tiếp tục có nguồn lực, động lực để phục vụ bạn đọc mỗi ngày...

ủng hộ tại đây,

Chia sẻ: