Đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương tiếp và làm việc với Phó Chủ tịch WB khu vực Đông Á - Thái Bình Dương

22 3 / 2022
Đăng bởi: lovebird21c

Đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương tiếp và làm việc với Phó Chủ tịch WB khu vực Đông Á - Thái Bình Dương

Chiều ngày 22/3/2022, tại Hà Nội, GS,TS Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương đã có buổi tiếp và làm việc với bà Manuela.V Ferro, Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới khu vực Đông Á - Thái Bình Dương.
GS,TS Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương chủ trì buổi tiếp và làm việc


Dự buổi tiếp và làm việc có PGS,TS Dương Trung Ý, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; PGS,TS Nguyễn Mạnh Hùng, Trợ lý đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị; đại diện lãnh đạo các đơn vị chức năng trực thuộc Học viện. Về phía Ngân hàng Thế giới (WB), dự buổi tiếp và làm việc có bà Carolyn Turk, Giám đốc quốc gia WB tại Việt Nam; ông Jacques Morisset, Chuyên gia Kinh tế trưởng.

Bày tỏ vui mừng và hân hạnh khi được đón tiếp bà Manuela.V Ferro, Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới khu vực Đông Á - Thái Bình Dương cùng các cộng sự đến thăm và làm việc tại Học viện, GS,TS Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương đánh giá cao những kết quả hợp tác đã đạt được giữa WB và Học viện trong những năm qua. Cụ thể như: WB đã cử chuyên gia thuyết trình tại các lớp cán bộ quy hoạch cấp chiến lược; các chương trình, toạ đàm trao đổi học thuật và chia sẻ tri thức; các hoạt động hợp tác liên quan tới đào tạo, nâng cao năng lực cán bộ. Qua đó góp phần thúc đẩy tăng cường năng lực đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học và tư vấn chính sách của Học viện; tăng cường hiệu quả của công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo quản lý trung, cao cấp của Học viện; góp phần thúc đẩy quản trị quốc gia hiệu quả, bền vững, v.v…

Khẳng định thông điệp phát triển của Việt Nam trong năm 2022 và những năm tiếp theo, các nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp đột phá trong phát triển từ nay đến năm 2030, tầm nhìn 2045, GS,TS Nguyễn Xuân Thắng cho biết: Phát triển nhanh, bền vững, bao trùm, dựa trên nền tảng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhất là những thành tựu của Cách mạng công nghiệp 4.0, lấy người dân làm trung tâm trong tiếp cận tăng trưởng, không ai bị "bỏ lại" phía sau, đặt trong yêu cầu thích ứng với bối cảnh biến đổi nhanh của thế giới và khu vực là nội dung, yêu cầu xuyên suốt trong quá trình phát triển ở Việt Nam. Trong đó, có ưu tiên xây dựng cực tăng trưởng của các khu vực và địa phương.

Để thực hiện mục tiêu, Việt Nam đặc biệt quan tâm đến (i) hoàn thiện thể chế phát triển, trọng tâm là thể chế kinh tế, xã hội, môi trường, văn hóa và các lĩnh vực liên quan; chú trọng tháo gỡ những điểm nghẽn phát triển, thúc đẩy đổi mới sáng tạo; khắc phục đứt gẫy sản xuất, khai thác và phát huy hiệu quả nguồn lực cho phát triển. (ii) Tập trung tạo đột phá từ nguồn lực con người, trong đó bao gồm cả vấn đề quản trị, tổ chức trong xây dựng quy hoạch và định hướng chính sách, tăng cường khả năng thích ứng, làm việc của con người trong môi trường nhiều thay đổi; (iii) Chú trọng vấn đề hạ tầng, bao gồm hạ tầng kinh tế, giao thông, hạ tầng xã hội, hạ tầng ứng phó biến đổi khí hậu, hạ tầng chuyển đổi số quốc gia và đặc biệt sau đại dịch Covid-19 là các vấn đề về hạ tầng y tế, nhất là y tế công cộng.

Tại buổi tiếp, GS,TS Nguyễn Xuân Thắng trân trọng cảm ơn sự hợp tác, đồng hành, hỗ trợ hiệu quả, thiết thực của WB trong suốt quá trình đổi mới và phát triển của Việt Nam; đặc biệt trong chia sẻ tri thức, kinh nghiệm, cung cấp luận cứ, kiến nghị cho Việt Nam xây dựng chính sách phát triển, nổi bật là Báo cáo Việt Nam 2035.

Trong bối cảnh thế giới, khu vực có nhiều thay đổi, xuất hiện những xu hướng mới, đặc biệt trong giai đoạn hậu Covid-19, GS,TS Nguyễn Xuân Thắng đề nghị WB quan tâm, hợp tác chặt chẽ, hỗ trợ nguồn lực để xây dựng Báo cáo Việt Nam 2045 bảo đảm tầm chiến lược, phù hợp với mục tiêu, phương hướng phát triển đến năm 2030, tầm nhìn 2045 của Việt Nam. Trong đó, cần tập trung làm rõ các nhân tố đặc trưng của mô hình phát triển Việt Nam; đánh giá đúng thực trạng, nền tảng phát triển hiện nay từ đó xác định rõ trụ cột, nhân tố bảo đảm tính bền vững của sự phát triển; tìm kiếm những động lực, nguồn lực mới cho sự phát triển của Việt Nam trong tương lai. Báo cáo cũng cần làm rõ các vấn đề và giải pháp ứng phó biến đổi khí hậu; sự điều chỉnh chiến lược của các nước lớn, cùng những thách thức về vấn đề an ninh truyền thống, phi truyền thống.

Trao đổi tại buổi làm việc, bà Manuela.V Ferro, Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới khu vực Đông Á - Thái Bình Dương bày tỏ ấn tượng với những thành quả phát triển của Việt Nam thời gian qua, từ một quốc gia nghèo đói Việt Nam đã trở thành một hình mẫu phát triển được cộng đồng quốc tế ghi nhận; đặc biệt là trong phòng, chống dịch Covid-19, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tăng trưởng, phục hồi và phát triển kinh tế, chủ động, kịp thời điều chỉnh chính sách phù hợp tình hình.

Đánh giá cao tiềm năng và lợi thế phát triển của Việt Nam, đặc biệt là những quyết tâm mạnh mẽ trong phát triển kinh tế - xã hội hướng tới mục tiêu đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao; cùng những cam kết rất ấn tượng về ứng phó biến đổi khí hậu được khẳng định tại COP26, bà Manuela Ferro cho rằng, để phát triển trong bối cảnh thế giới có những biến đổi phức tạp như đại dịch Covid-19, thay đổi về địa chính trị, thương mại quốc tế, v.v.. bên cạnh quyết tâm cao, rất cần sự lãnh đạo, định hướng chiến lược quốc gia.

Bà Manuela.V Ferro khẳng định WB cam kết chia sẻ kinh nghiệm, tri thức, cung cấp thông tin đầu vào để Việt Nam tham khảo, lựa chọn trong xây dựng định hướng và chính sách phát triển của mình. Tiếp tục đồng hành cùng Việt Nam trên chặng đường phát triển sắp tới, sẵn sàng hỗ trợ tích cực xây dựng Báo cáo Việt Nam 2045 nhằm góp phần giúp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh, đạt được các chiến lược, kế hoạch, mục tiêu đề ra, đặc biệt là trong huy động nguồn lực, thực hiện tăng trưởng xanh, chuyển đổi số, ứng phó với biến đổi khí hậu, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, phát triển nhanh, bền vững, bao trùm, tăng cường kết nối trong bối cảnh biến đổi nhanh chóng của tình hình khu vực và thế giới.

Tại buổi tiếp và làm việc, hai bên cũng dành nhiều thời gian trao đổi về xây dựng quan hệ đối tác bền chặt giữa WB và Việt Nam, thúc đẩy phục hồi bền vững và linh hoạt sau đại dịch Covid-19, giải quyết tình trạng thất nghiệp và bất bình đẳng đang gia tăng, v.v.. các vấn đề về thực thi cải cách và hoàn thiện thể chế phát triển của Việt Nam, nhằm hiện thực hóa khát vọng và tầm nhìn chiến lược 2045 đưa Việt Nam trở thành nước phát triển, thu nhập cao; Thảo luận về các triển vọng hợp tác về đào tạo cho đội ngũ lãnh đạo và quản lý trong kỷ nguyên số, nghiên cứu khoa học, v.v..
Chia sẻ: